Nông dân bàn giải pháp canh tác sầu riêng bền vững đáp ứng rào cản kỹ thuật từ Trung Quốc

Cùng với sự nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương tìm giải pháp nâng cao chất lượng xuất khẩu sầu riêng, những nông dân trồng 'trái cây vua' cũng chủ động thành lập các hội nhóm để bàn thảo, hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp nhằm tìm tiếng nói đồng thuận phát triển ngành sầu riêng bền vững.
nang-chat-sau-rieng-xuat-khau-4-1743905674.jpg
Xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu được xem là thủ phủ trồng sầu riêng tại Tây Ninh với diện tích lên tới 1.500ha. (Ảnh tư liệu)

Nông dân chủ động bàn kế sách nâng cao chất lượng sầu riêng

Tại tỉnh Tây Ninh, những năm qua, diện tích và chất lượng sầu riêng trên địa bàn không ngừng tăng. Hiện tỉnh này có hơn 3.200ha trồng sầu riêng, trong đó, xã Bàu Đồn chiếm tới 1.500ha.

Xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) được xem là thủ phủ trồng sầu riêng tại Tây Ninh. Để nâng tầm giá trị nông sản và đầu ra ổn định, nhiều nông dân chủ động thay đổi phương thức sản xuất, bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để liên kết những người trồng sâu riêng tìm tiếng nói chung, Hội quán sầu riêng Bàu Đồn (huyện Gò Dầu, Tây Ninh) được thành lập. Hội quán hiện có 30 thành viên, là tổ chức nghề nghiệp tự nguyện tập hợp nông dân cùng hoạt động trong lĩnh vực trồng, chăm sóc và kinh doanh sầu riêng, trực thuộc UBND xã Bàu Đồn. Đây là nơi kết nối nông dân với các nguồn thông tin khoa học kỹ thuật, chính sách và các vấn đề kinh tế – xã hội tại địa phương.

Vừa qua, vào ngày 5/4, Hội quán sầu riêng Bàu Đồn (huyện Gò Dầu, Tây Ninh) tổ chức sinh hoạt về chuyên đề an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sầu riêng nhằm bàn giải pháp canh tác sầu riêng bền vững đáp ứng rào cản kỹ thuật từ Trung Quốc.

nang-chat-sau-rieng-xuat-khau-1-1743905726.jpg
Buổi sinh hoạt của Hội quán sầu riêng Bàu Đồn bàn giải pháp canh tác sầu riêng bền vững đáp ứng rào cản kỹ thuật từ Trung Quốc. (Ảnh: Trần Trung)

Ông Phan Văn Thoại, Chủ nhiệm Hội quán cho biết, hiện các thành viên đã và đang sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh, ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Hội quán đã được cấp 3 mã số vùng trồng, sầu riêng Hội quán đã được xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua liên kết chuỗi với hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Trinity Việt Nam và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. Ngoài xuất khẩu, sầu riêng của Hội quán còn được tiêu thụ rộng rãi trong nước.

Còn hơn 1 tháng nữa, sầu riêng của Hội quán sẽ bước vào thu hoạch vụ mùa năm 2025, đây là giai đoạn nhạy cảm, quyết định thành quả của cả mùa vụ. Những ngày này, Hội quán đang hướng dẫn các thành viên triển khai biện pháp canh tác đúng quy trình, kiểm soát nghiêm ngặt hàm lượng kim loại nặng (Cadimi).

“Hội quán mong muốn các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết thường xuyên hỗ trợ kiểm nghiệm sản phẩm; các cơ quan quản lý nhà nước, ngành nông nghiệp sớm ban hành danh mục phân bón, thuốc BVTV không chứa chất cấm; các nhà khoa học hỗ trợ quy trình canh tác chuẩn để sầu riêng đáp ứng rào cản kỹ thuật từ nhà nhập khẩu” ông Phan Văn Thoại nhấn mạnh.

nang-chat-sau-rieng-xuat-khau-2-1743905779.jpg
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh và doanh nghiệp xuất khẩu thăm mã số vùng trồng sầu riêng của Hội quán.(Ảnh: Trần Trung)

Hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian qua Sở NN&PTNT đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp xây dựng mã số vùng trồng. Giải pháp này không chỉ giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương.

Ông Phan Hoài Thịnh- Giám đốc HTX cây ăn trái Bàu Đồn (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) cho biết, đến cuối năm 2024, HTX đã xây dựng được 3 mã số vùng trồng. Sau khi được cấp mã, HTX quản lý rất chặt chẽ quy trình sản xuất, ghi chép, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tìm tiếng nói đồng thuận giữa nông dân và doanh nghiệp để xuất khẩu sầu riêng bền vững

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, vụ chính sầu riêng năm nay kéo dài từ tháng 4 đến cuối tháng 10/2025, trải dài từ miền Tây, miền Đông đến Tây Nguyên. Đây là giai đoạn đầy áp lực đối với cả doanh nghiệp lẫn người trồng.

Theo bà Thu, sầu riêng là cây khó canh tác, bảo quản sau thu hoạch cũng không đơn giản. Để tránh tồn dư kim loại nặng, Công ty đã phối hợp và hướng dẫn nông dân thay đổi quy trình sản xuất. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu kiểm tra dư lượng Cadimi, Công ty thường xuyên tổ chức kiểm tra từ đất trồng, vật tư nông nghiệp đến quy trình chăm sóc tại các đơn vị trong chuỗi liên kết. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với đối tác Trung Quốc để đảm bảo đầu ra ổn định, giảm thiểu rủi ro cho đôi bên.

“Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà nước, nhà nông dân cùng doanh nghiệp thì chuỗi liên kết mới vận hành hiệu quả, bền vững, phá vỡ rào cản kỹ thuật, nâng cao giá trị sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế” bà Thu nhấn mạnh.

Ông Đinh Hoàng Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ NHONHO - đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kiểm nghiệm cho biết, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính. Họ đang siết chặt nhiều quy định, nhất là với các mặt hàng giá trị cao như sầu riêng.

Theo ông Thiện, nhiều nông dân, doanh nghiệp trước đây sử dụng Cadimi và vàng O mà không biết đó là chất cấm. Đến khi bị trả hàng, kiểm tra gắt gao mới giật mình. Có trường hợp dù đã ngưng sử dụng nhưng mẫu vẫn nhiễm do thiết bị, dụng cụ cũ bị nhiễm chéo rất nguy hiểm.

“Hiện Công ty chúng tôi là một trong những đơn vị được chỉ định kiểm nghiệm chỉ tiêu Cadimi và vàng O. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với địa phương, hiệp hội, tổ hợp tác, doanh nghiệp thu mua sầu riêng để kiểm nghiệm mẫu tại vườn. Mong muốn của chúng tôi là cần sự trung thực từ thương lái, chỉ nên thu mua từ vườn đã được kiểm nghiệm để tránh rủi ro” ông Thiện chia sẻ thêm.

Những năm gần đây, do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh, giá sầu riêng luôn ở mức cao, nhiều nông dân tại tỉnh Tây Ninh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ hoa màu, lúa, cây ăn trái khác sang trồng cây sầu riêng. Dự báo đến năm 2025, tổng diện tích trồng sầu riêng của Tây Ninh sẽ đạt khoảng 5.000ha.

nang-chat-sau-rieng-xuat-khau-3-1743905812.jpg
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh (bìa trái) trực tiếp thăm vườn sầu riêng của Hội quán.(Ảnh: Trần Trung)

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh hiện có 3.290ha sầu riêng, trong đó 2.107ha đang thu hoạch, còn lại 1.183ha trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt và cấp 7 mã số vùng trồng cùng 1 mã số đóng gói cho Nhà máy chế biến rau quả Trinity. Hiện còn 33 mã số vùng trồng đang chờ phê duyệt.

Trung Quốc hiện yêu cầu tất cả lô hàng sầu riêng nhập khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm nghiệm đối với hai chỉ tiêu nghiêm ngặt là Cadimi và vàng O. Nếu không đạt, lô hàng sẽ bị từ chối hoặc buộc tái xuất. Ngay cả khi đã có giấy kiểm nghiệm từ phía Việt Nam, Trung Quốc vẫn có thể lấy mẫu kiểm tra lần hai tại cửa khẩu.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh: Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Doanh nghiệp và nông dân cần biến thách thức thành động lực và coi đây là cuộc cách mạng để thay đổi phương thức sản xuất, không chỉ khâu canh tác mà toàn bộ quá trình trước, trong và sau thu hoạch cũng phải được kiểm soát chặt chẽ nhằm đáp ứng rào cản kỹ thuật từ Trung Quốc./.

Thống kê mới nhất từ số liệu của Cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong tháng 2 đạt 5,7 nghìn tấn với kim ngạch thu về 21,5 triệu USD, giảm 36,5% về lượng và giảm 31,4% về kim ngạch so với trước, đồng thời so với cùng kỳ năm 2024 giảm 51,5% về lượng và giảm 61,4% về kim ngạch.

Với kết quả này, tổng xuất khẩu sầu riêng sau 2 tháng đầu năm chỉ đạt 14,7 nghìn tấn, kim ngạch 52,7 triệu USD, giảm 62,2% về lượng và giảm 69,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá xuất khẩu bình quân sầu riêng trong 2 tháng đạt 3.585 USD/tấn, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong tháng 2, giá xuất khẩu bình quân ở mức 3.757 USD/tấn, tăng 8,1% so với tháng trước, nhưng giảm 20,3% so với tháng 2/2024.

Sự sụt giảm trên chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang thị trường tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc lao dốc gần 83% trong 2 tháng đầu năm, xuống chỉ còn 27,1 triệu USD. Thị phần của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam cũng giảm xuống còn 51,4% từ mức gần 92% của cùng kỳ năm ngoái.

Ngược lại, xuất khẩu sầu riêng sang một số thị trường khác được đẩy mạnh. Đơn cử như Thái Lan tăng 32,3%, đạt 17 triệu USD và chiếm 32,3% thị phần. Kim ngạch xuất khẩu sang Hong Kong và Đài Loan tăng vọt 31 lần và 74 lần, lần lượt đạt 3,7 triệu USD và 1,3 triệu USD…

Theo Cục Xuất nhập khẩu  (Bộ Công Thương), thời gian qua, các các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)... đã tăng cường kiểm soát chất lượng đối với sầu riêng Việt Nam. Đặc biệt là tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sầu riêng Việt Nam lớn nhất.

Từ ngày 10/1/2025, Trung Quốc yêu cầu các lô hàng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam phải có giấy kiểm định chứng minh không chứa chất vàng O (hợp chất có nguy cơ gây ung thư). Điều này khiến quy trình thông quan kéo dài, tăng nguy cơ hư hỏng hàng hóa, nên nhiều doanh nghiệp phải đưa hàng về tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Trước sự việc trên, cơ quan quản lý Việt Nam đã nhanh chóng làm việc với cơ quan chức năng Trung Quốc để nối lại hoạt động xuất khấu sầu riêng.

Theo đó, để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, các lô hàng phải có giấy chứng nhận không có vàng O, cùng giấy xác nhận cadmi ở mức cho phép. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã công bố danh sách 9 phòng kiểm nghiệm được Việt Nam và Trung Quốc công nhận đủ tiêu chuẩn cấp chứng nhận.

Trần Trung - Bình Nguyên