Xuất khẩu nông lâm thủy sản bứt phá trong 3 tháng đầu năm 2025, đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ

Xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2025 với những điểm sáng. Với kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2025 ước đạt 6,14 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm 2025 đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024.
xuat-khau-nong-lam-thuy-san-3-1743902405.jpg
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 3/2025 đạt 6,14 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm lên 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024. (Ảnh minh họa)

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 3/2025 đạt 6,14 tỷ USD

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 3/2025 đạt 6,14 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm lên 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong đó, các nhóm hàng chính ghi nhận mức tăng trưởng như sau: nông sản đạt 8,53 tỷ USD (tăng 12,2%), chăn nuôi đạt 131,3 triệu USD (tăng 18,5%), thủy sản đạt 2,29 tỷ USD (tăng 18,1%), lâm sản đạt 4,21 tỷ USD (tăng 11,2%), đầu vào sản xuất đạt 549,5 triệu USD (tăng 19,6%), và muối đạt 2,3 triệu USD (tăng 2,4 lần).

Thị trường xuất khẩu: Châu Á tiếp tục là khu vực xuất khẩu lớn nhất, chiếm 42% thị phần, theo sau là Châu Mỹ (22,5%) và Châu Âu (16,6%). So với cùng kỳ năm 2024, giá trị xuất khẩu sang Châu Á tăng 2%, châu Mỹ tăng 15,7%, Châu Âu tăng mạnh 37,8%, Châu Phi tăng 2,1 lần, và Châu Đại Dương tăng nhẹ 0,8%.

Thị trường Hoa Kỳ dẫn đầu với thị phần 20,2%, đạt giá trị xuất khẩu tăng 13,5%. Lần lượt tiếp theo là Trung Quốc 17,3% và 7,7% thị phần, Nhật Bản mức tăng trưởng tương ứng là 3,6% và 26%.

xuat-khau-nong-lam-thuy-san-1-1743902774.jpg
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 3/2025 đạt 6,14 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm lên 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024. (Nguồn Bộ NN&MT)

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có nhiều ngành hàng mang về giá trị thương mại tích cực hơn rất nhiều dù giảm khối lượng xuất khẩu. Điều này cho thấy giá trị các sản phẩm đã được nâng tầm chất lượng và đáp ứng được nhu cầu của thị trường quốc tế.

Quý I/2025, xuất khẩu cà phê đạt 509,5 nghìn tấn, giảm 12,9% về khối lượng nhưng tăng mạnh 49,5% về giá trị, đạt 2,88 tỷ USD. Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 5.656 USD/tấn, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2024, nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê chất lượng cao tăng mạnh. Đức, Italia và Nhật Bản là 3 thị trường lớn nhất, với giá trị xuất khẩu tăng lần lượt 79,3%, 31,9% và 56,1%. Thị trường Ba Lan ghi nhận mức tăng mạnh nhất (3,1 lần), trong khi Indonesia giảm 37,5%.

Xuất khẩu cao su đạt 396,1 nghìn tấn, giảm 4,4% về khối lượng nhưng tăng 26,1% về giá trị, đạt 765,8 triệu USD. Giá cao su bình quân đạt 1.933,3 USD/tấn, tăng 31,9%. Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm 73,7% thị phần, với giá trị xuất khẩu tăng 21,9%. Thị trường Indonesia tăng mạnh 3,1 lần, trong khi Ấn Độ giảm 27,5%. Malaysia ghi nhận mức tăng cao nhất (8,3 lần), còn Đức giảm mạnh nhất (29,9%).

Xuất khẩu chè đạt 27,3 nghìn tấn, tăng 3% về khối lượng và 2,7% về giá trị, đạt 44,4 triệu USD. Giá chè bình quân đạt 1.622,4 USD/tấn, giảm nhẹ 0,2%. Pakistan, Đài Loan và Nga là 3 thị trường lớn nhất, với giá trị xuất khẩu tại Nga tăng 33,5%, trong khi Pakistan và Đài Loan giảm lần lượt 11,8% và 5,7%. Philippines tăng mạnh nhất (4,1 lần), còn Ba Lan giảm mạnh nhất (67,6%).

xuat-khau-nong-lam-thuy-san-4-1743902824.jpg
Các nhóm hàng chính ghi nhận mức tăng trưởng như sau: nông sản đạt 8,53 tỷ USD (tăng 12,2%), chăn nuôi đạt 131,3 triệu USD (tăng 18,5%), thủy sản đạt 2,29 tỷ USD (tăng 18,1%), lâm sản đạt 4,21 tỷ USD (tăng 11,2%).(Ảnh minh họa)

Xuất khẩu hạt điều đạt 121,4 nghìn tấn, giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng 4,3% về giá trị, đạt 841,1 triệu USD. Giá bình quân đạt 6.929,2 USD/tấn, tăng 29,1%. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc là 3 thị trường lớn nhất, với Hà Lan tăng 43,5%, trong khi Hoa Kỳ và Trung Quốc giảm lần lượt 14,5% và 50%. Pháp tăng mạnh nhất (46,1%).

Xuất khẩu hạt tiêu đạt 47,3 nghìn tấn, giảm 16,7% về khối lượng nhưng tăng 37,3% về giá trị, đạt 323,6 triệu USD. Giá bình quân đạt 6.845,4 USD/tấn, tăng 64,9%. Hoa Kỳ, Đức và Ấn Độ là 3 thị trường lớn nhất, với Đức tăng mạnh nhất (2,4 lần).

Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 2,29 tỷ USD, tăng 18,1%. Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ là 3 thị trường lớn nhất, với Trung Quốc tăng mạnh nhất (75,9%). Đài Loan giảm 2,7%.

Giá trị xuất khẩu gỗ đạt 3,95 tỷ USD, tăng 11,6%. Hoa Kỳ chiếm 53,1% thị phần, với giá trị tăng 9,5%. Ấn Độ tăng mạnh nhất (95,9%), trong khi Hà Lan giảm 45,1%.

Xuất khẩu nông sản đối mặt với những thách thức mới

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cán cân thương mại ngành nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt thặng dư 4,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có cán cân thương mại 3 tháng đầu năm 2025 ở trạng thái thặng dư.

Cụ thể, nhóm lâm sản ước đạt thặng dư 3,54 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2024; nhóm thủy sản thặng dư 1,51 tỷ USD, tăng 14,1%; và nhóm nông sản thặng dư 1,48 tỷ USD, tăng 16,9%.

Trong khi đó, cán cân thương mại 3 nhóm hàng còn lại ở trạng thái thâm hụt. Cụ thể, nhóm đầu vào sản xuất thâm hụt 1,21 tỷ USD, giảm 4,7%; sản phẩm chăn nuôi thâm hụt 905,7 triệu USD, tăng 37%; và muối thâm hụt 4,6 triệu USD, giảm 2,5%.

Xét theo mặt hàng cụ thể, 5 mặt hàng có thặng dư thương mại ước tính 3 tháng đầu năm 2025 cao nhất gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 3,29 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; cà phê thặng dư 2,79 tỷ USD, tăng 48,3%; tôm thặng dư 792,6 triệu USD, tăng 36%; hàng rau quả thặng dư 541,3 triệu USD, giảm 31,4%; gạo thặng dư 454,7 triệu USD, giảm 49,5%.

xuat-khau-nong-lam-thuy-san-2-1743902863.jpg
Xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có cán cân thương mại 3 tháng đầu năm 2025 ở trạng thái thặng dư. (Ảnh minh họa)

Mặc dù kết quả xuất khẩu NLTS đạt kết quả khởi sắc, nhưng được dự báo vẫn đối mặt với một số thách thức lớn như thị trường quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều biến động, đặc biệt là những rào cản thương mại ngày càng gia tăng từ các nước nhập khẩu. Ví dụ, những thay đổi của thế giới như chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ hay châu Âu (EU) tăng cường kiểm tra dư lượng asen vô cơ, ngành thuỷ sản Việt Nam sẽ đối mặt với khó khăn…

Để tiếp tục vượt qua các thách thức của thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu NLTS trong bối cảnh này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành NN&MT sẽ kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng ngành; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

“Bộ sẽ chỉ đạo rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật của từng lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Trong đó, tập trung đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu cũng như xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các nhóm sản phẩm mới, chủ lực” - ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ NN&MT tiếp tục đẩy mạnh công nghệ chế biến để đa dạng và nâng cao giá trị các sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tích cực triển khai chủ động, hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại đối với những thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu... và mở cửa thị trường mới, đặc biệt là các thị trường còn nhiềm tiềm năng như Halal, Trung Đông, châu Mỹ…

Về phía Bộ Công thương cũng khẳng định sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo biến động thị trường thế giới, tập trung thu thập thông tin về chiến lược sản xuất, xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, tận dụng các yếu tố thuận lợi để củng cố, mở rộng vị thế của nhóm NLTS Việt Nam trong bối cảnh tình hình mới./.

Bình Nguyên