Thiếu nhân lực phục vụ cho thị trường tín chỉ carbon
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về cung ứng tín chỉ carbon. Nhưng thực tế, việc am hiểu về lĩnh vực này và nguồn nhân lực phục vụ cho thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam còn rất thiếu.
Theo các chuyên gia, hiện nay, đa số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và cả nông dân đặc biệt quan tâm đến tín chỉ carbon và việc đáp ứng yêu cầu về tín chỉ carbon, tham gia vào thị trường tín chỉ carbon để có thể hưởng lợi từ đó. Nhưng thực tế cho thấy, việc am hiểu về lĩnh vực này và nguồn nhân lực phục vụ cho thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam còn rất thiếu.
Hiện tại, Việt Nam nằm trong danh sách quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải carbon cao nhất thế giới. Việt Nam đã đưa ra cam kết mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero 2050), trong đó nhấn mạnh chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 và chấm dứt sản xuất điện than vào năm 2040.
Chiến lược Net Zero 2050 được xem như một trọng tâm phát triển của Việt Nam, trong bối cảnh hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng trên toàn cầu. Ngoài ra, thời tiết cực đoan thường xuyên và nghiêm trọng, bao gồm bão, hạn hán, lũ lụt.. ảnh hưởng tới các lĩnh vực nông, lâm, công nghiệp.
Nếu không quan tâm đến tín chỉ carbon, thì sự ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng sống của con người, và cũng ảnh hưởng tiêu cực lên hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, gây mất đa dạng sinh học.
Vào năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon và thu về hơn 50 triệu USD. Đây là tiền đề để nhiều tổ chức, cá nhân và địa phương quan tâm đến thị trường tín chỉ carbon vốn giàu tiềm năng.
Hiện Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về thị trường tín chỉ carbon. Song song với đó, việc tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác này cũng được nhiều bên liên quan đặt vấn đề tìm hiểu.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về cung ứng tín chỉ carbon. Theo ước tính, riêng lĩnh vực lâm nghiệp, mỗi năm Việt Nam đã có 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương 52 triệu tấn CO2 có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế.
Trước mắt, theo ông Đặng Thanh Long, chuyên gia của Công ty TNHH Intertek Việt Nam (chuyên về kiểm nghiệm, giám định và chứng nhận sản phẩm), nếu Việt Nam sớm có thị trường tín chỉ carbon thì doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đáp ứng điều kiện về carbon khi xuất hàng hóa sang Châu Âu mà còn giữ lại được một nguồn tài chính ở trong nước.
“Ở Việt Nam chưa có thị trường tín chỉ carbon nên khi xuất hàng sang Châu Âu phải nộp một lượng phát thải dư so với hạn ngạch của họ. Nhưng nếu chúng ta có thị trường giao dịch tín chỉ carbon rồi, nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam đã trả phí phát thải tại Việt Nam rồi thì sang Châu Âu sẽ được khấu trừ. Nghĩa là, nếu thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam vận hành chậm thì chúng ta sẽ bị thiệt, phí đó toàn bộ sang Châu Âu hết”- ông Long nêu rõ.
Đào tạo nguồn nhân lực cho phát thải carbon thấp là một nhiệm vụ cấp bách
Ông Cao Tung Sơn – Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) cho biết, trước xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế xanh, nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực giảm phát thải carbon đang ngày càng cấp thiết. Để đạt được những mục tiêu tham vọng về giảm khí thải và phát triển bền vững, TP.HCM cần những chuyên gia ở các lĩnh vực như: đánh giá và báo cáo phát thải, quản lý năng lượng, công nghệ giảm phát thải, tài chính xanh; chính sách và pháp luật…
Theo ông Sơn, TP.HCM đang chịu ảnh hưởng từ BĐKH như nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa, ngập lụt, nước biển dâng… Thêm vào đó, thành phố cũng cần giải quyết những thách thức như đòi hỏi nguồn lực lớn cả về tài chính, công nghệ và nhân lực để thực hiện các mục tiêu Kế hoạch hành động và phát thải carbon thấp.
Như vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát thải carbon thấp là một nhiệm vụ cấp bách và mang tính chiến lược. “Bằng việc đầu tư vào nguồn nhân lực, chúng ta không chỉ góp phần giảm phát thải carbon mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững”, ông Sơn nói.
Dự kiến năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm hình thành một sàn giao dịch tín chỉ carbon. Tiến sĩ Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty Hệ sinh thái The VOS cho rằng, trước mắt cần đào tạo khoảng 150.000 ngàn lao động chuyên nghiệp. Lực lượng này được trang bị kiến thức để hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon. Trong đó, đào tạo thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là một mắt xích quan trọng, giúp Việt Nam vận hành thị trường tín chỉ carbon.
Doanh nghiệp đã cam kết giảm phát thải không thể không mua tín chỉ carbon. Ở một vài quốc gia trong khu vực như Indonesia đã có nhiều chuyên gia môi giới tín chỉ carbon, nên Việt Nam nhất định phải tăng cường công tác đào tạo để không bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế trong sự vận động chung của thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.
Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, tín chỉ carbon đang được quan tâm trên toàn cầu. Đây là một trong những nội dung giúp các quốc gia phát triển bền vững, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Nằm trong dòng chảy ấy, Việt Nam cũng đang quan tâm đến vấn đề này.
Tuy nhiên, liên quan tới tín chỉ carbon có nhiều vấn đề, trong đó có khung pháp lý, khả năng đánh giá, đo lường thực tế. Đặc biệt, vấn đề nguồn nhân lực được xem là căn bản bởi đây là yếu tố khởi nguồn để xây dựng các khía cạnh liên quan đến tín chỉ carbon./.