Tín chỉ carbon 'mắc kẹt' trong rừng, Quảng Nam đề xuất thành lập tổ chuyên trách để tháo gỡ vướng mắc

Tỉnh Quảng Nam đã dồn nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ, phát triển rừng để mong mỏi bán tín chỉ carbon nhưng làm mãi không được, hỏi không ai trả lời do vướng cơ chế. Do vậy, tỉnh sẽ đề xuất Chính phủ thành lập tổ chuyên trách về tín chỉ carbon. Tổ chuyên trách này có sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, các địa phương liên quan để giải quyết các vướng mắc.

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề "Dự trữ carbon và Đa dạng sinh học", do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ ngành trung ương, tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình, Kon Tum, các tổ chức quốc tế, các huyện thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

hoi-thao-tin-chi-car-bon-rung-1-1721879543.jpg
Quang cảnh buổi hội thảo chuyên đề "Dự trữ carbon và Đa dạng sinh học" diễn ra vào ngày 24/7.

Nhìn thấy tiềm năng thị trường tín chí carbon vẫn loay hoay vì vướng cơ chế

Quảng Nam là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn của Việt Nam, có tiềm năng về thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao trữ lượng carbon từ rừng.

Tại hội thảo, các ý kiến đều có chung quan điểm Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng, cơ hội lớn để tham gia sâu vào thị trường mua bán tín chỉ carbon. Tuy nhiên, do vướng các cơ chế, chính sách nên việc triển khai trên thực tế gặp nhiều khó khăn.

Ông Hà Phước Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, cho biết năm 2021, Thủ tướng cho phép tỉnh Quảng Nam lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thì địa phương vẫn đang loay hoay vì vướng cơ chế.

"Doanh nghiệp rất quan tâm và mong muốn tự bỏ tiền ra trước để hoàn thiện đề án nhưng gặp vướng mắc. Tỉnh gửi văn bản xin ý kiến thì bộ nói rằng làm theo quy định. Tuy nhiên làm theo quy định không được vì mình cho phép doanh nghiệp tự bỏ tiền thì sau này phải chỉ định thầu cho họ là bên mua. Nếu làm đúng thì sau này phải đấu thầu, trường hợp họ đấu thầu không trúng thì không biết giải quyết ra sao" – ông Phú chia sẻ.

hoi-thao-tin-chi-car-bon-rung-5-1721879611.jpg
Quảng Nam là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Theo ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững thuộc Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tức phát thải bao nhiêu, hấp thụ bấy nhiêu. Hiện nay, việc phát triển tín chỉ carbon không đi đúng hướng do các địa phương không hiểu cụ thể vấn đề.

“Thị trường carbon rất đa dạng, phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là thị trường carbon bắt buộc và Việt Nam đang trong lộ trình xây dựng thị trường carbon trong nước. Thông qua cơ chế trao đổi, mua bán tín chỉ carbon, cơ hội đầu tư trong lâm nghiệp gia tăng”, ông Phương nhận định.

Đề nghị thành lập tổ chuyên trách về tín chỉ carbon để tháo gỡ vướng mắc

Theo ông Phương, các quốc gia quy định phát triển kinh tế theo hướng xanh, phát thải thấp dẫn đến thị trường carbon phát triển mạnh để trao đổi, mua bán tín chỉ carbon cho các mục tiêu giảm phát thải đã cam kết.

Khung pháp lý vĩ mô của Việt Nam quy định các định hướng lớn để đạt mục tiêu giảm phát thải, áp dụng hạn ngạch phát thải với cơ sở phát thải lớn. Thị trường carbon trong nước đang trong quá trình xây dựng. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang trong quá trình thực hiện giảm phát thải, tạo ra cơ hội đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Nhận diện thách thức, ông Phương cho rằng khung pháp lý, hướng dẫn chưa chi tiết và rõ ràng về đầu tư, quyền carbon, chia sẻ lợi ích; cơ chế phối hợp với các bộ ngành, địa phương; quy định về đăng ký, thương mại tín chỉ carbon.

Cũng theo ông Phương, năng lực kỹ thuật trong xây dựng, thực hiện dự án carbon rừng; dữ liệu, tính minh bạch, công khai thông tin; dữ liệu sử dụng trong đo đạc, báo cáo phát thải, thông tin về đầu tư, kết nối doanh nghiệp…còn hạn chế.

hoi-thao-tin-chi-car-bon-rung-4-1721879528.jpg
Tỉnh Quảng Nam đã dồn nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ, phát triển rừng để mong mỏi bán tín chỉ carbon những còn nhiều vướng mắc. (Ảnh minh họa)

Bà Nghiêm Phương Thuý (đại diện Cục Lâm nghiệp) nhận định thuận lợi hiện nay là các Bộ đang xây dựng thị trường carbon trong nước. Nhu cầu tín chỉ carbon bù trừ trong nước và quốc tế, nhiều nhà đầu tư quan tâm hỗ trợ phát triển rừng.

Về các khó khăn đang gặp phải, theo bà Thuý là vấn đề truyền thông và dư luận về tín chỉ carbon rừng chưa được hiểu ngọn ngành. Thể chế, chính sách chưa quy định về việc ai được quyền bán và tiền bán được sẽ xử lý như thế nào?.

Bà Thuý cho rằng việc huy động nguồn lực đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật, để xây dựng được dự án tín chỉ carbon không dễ, cần phải huy động nguồn lực của các đối tác quốc tế.

Theo bà Thuý, thời gian tới cần tiếp tục triển khai các chương trình giảm phát thải và nghiên cứu thí điểm carbon có chất lượng cao. Truyền thông, tập huấn kỹ thuật bài bản…

hoi-thao-tin-chi-car-bon-rung-3-1721879704.jpg
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói rằng tỉnh này rất trăn trở trong vấn đề bán tín chỉ carbon. Theo ông, thời điểm Thủ tướng Chính phủ cho phép Quảng Nam xây dựng đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, địa phương rất vui mừng.

Tỉnh Quảng Nam đã dồn nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ, phát triển rừng để mong mỏi bán tín chỉ carbon nhưng làm mãi không được, hỏi không ai trả lời do vướng cơ chế.

Ông Bửu đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục tuyên truyền về tín chỉ carbon và bảo vệ rừng mạnh hơn nữa, để người dân biết rõ. Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với bộ, ban, ngành để tuyên truyền cho người dân Quảng Nam và kêu gọi các địa phương tham gia việc này.

Phó Chủ tịch Quảng Nam giao Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh có văn đề nghị Trung ương thành lập tổ chuyên trách về tín chỉ carbon. Tổ này do lãnh đạo Chính phủ làm tổ trưởng, có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc./.

Bình Nguyên