Kinh tế tuần hoàn và thị trường tín chỉ carbon: Hành trình phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp Việt Nam

Kinh tế tuần hoàn và thị trường tín chỉ carbon đang tạo ra nhiều cơ hội mới nhưng cũng đầy thách thức. Dù con đường không hề bằng phẳng, việc tiếp tục đầu tư và đổi mới là cần thiết để ngành lâm nghiệp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững và chuyển mình hướng đến một nền kinh tế xanh.
kinh-te-tuan-hoan-1721880525.png
Kinh tế tuần hoàn mở ra nhiều cơ hội

Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt, và Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy của cuộc khủng hoảng này. Theo báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam (CCDR) năm 2022, với đường bờ biển dài hơn 3.260 km và nhiều thành phố có địa hình trũng thấp cùng với các vùng đồng bằng ven sông, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu. Các tác động của biến đổi khí hậu - chủ yếu là nhiệt độ và mực nước biển dâng cao hơn và biến động lớn hơn - đã và đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế và suy yếu tăng trưởng. Các tính toán ban đầu cho thấy Việt Nam mất 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu.

Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới một triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

Tuy nhiên, trong thách thức luôn tiềm ẩn cơ hội. Kinh tế tuần hoàn và thị trường tín chỉ carbon đang nổi lên như những giải pháp đầy hứa hẹn, không chỉ giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà còn mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển bền vững. Đối với ngành lâm nghiệp Việt Nam, đây chính là cơ hội tốt để chuyển mình, đạt được sự thay đổi để vươn lên và khẳng định vị thế của ngành không chỉ là đầu vào cho các ngành xuất khẩu (đó là xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam) mà còn là “chìa khóa vạn năng” giúp giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Kinh tế tuần hoàn: Nền tảng cho sự phát triển bền vững

Trong thời gian gần đây, Kinh tế tuần hoàn (CE) đã nhận được sự chú ý ngày càng tăng trên toàn thế giới vì nó giải quyết cho cả vấn đề ô nhiễm môi trường và cả bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên cho sự thịnh vượng của nền kinh tế và của doanh nghiệp. Theo mô hình ước tính của tổ chức Accenture Strategy (Lacy & Rutqvist, 2015), kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 4.500 tỉ USD giá trị kinh tế toàn cầu từ năm 2015 đến 2030.

Trong ngành lâm nghiệp, mô hình kinh tế tuần hoàn được thể hiện rõ nét qua việc tận dụng toàn bộ sản phẩm và phụ phẩm từ gỗ, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Gỗ phế phẩm có thể được chế biến thành ván ép, viên nén nhiên liệu, hoặc nguyên liệu sản xuất giấy, tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Các doanh nghiệp lâm nghiệp có thể áp dụng các biện pháp như trồng rừng thay thế, sử dụng các loại gỗ có khả năng tái sinh nhanh, và đầu tư vào công nghệ chế biến gỗ hiện đại để giảm thiểu lượng chất thải và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên.

Thị trường tín chỉ carbon: Cơ hội mới cho ngành lâm nghiệp

Thị trường tín chỉ carbon là một công cụ tài chính mới nổi nhằm thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính. Các doanh nghiệp, tổ chức, hoặc cá nhân có thể mua bán tín chỉ carbon, đại diện cho quyền phát thải một lượng khí nhà kính nhất định. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, cơ hội tham gia thị trường tín chỉ carbon cũng vô cùng rộng mở. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2023), Với diện tích rừng 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ ở mức hơn 42%, Việt Nam nằm trong số 60 quốc gia trên thế giới có khả năng bán tín chỉ carbon từ rừng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính, giai đoạn 2021-2030, nước ta sở hữu khoảng 40-70 triệu tín chỉ carbon rừng mỗi năm, có thể bán cho thị trường tín chỉ carbon thế giới. Với đơn giá 5 USD/tín chỉ, nếu mỗi năm bán được 40 triệu tín chỉ carbon rừng, ngành lâm nghiệp có thể thu về 200 triệu USD/năm, tương đương gần 5.000 tỷ đồng.

Nếu làm tốt, trong tương lai Việt Nam có thể thu về hàng chục nghìn tỷ đồng từ chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng. Quan trọng hơn, môi trường sinh thái của Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn nhờ vào việc giữ rừng, phát triển rừng, để Việt Nam đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.

Tham gia thị trường tín chỉ carbon giúp các chủ rừng và nông dân cải thiện sinh kế, tham gia các mục tiêu bền vững của Liên hợp quốc, giúp đáng kể giảm phát thải khí nhà kính, góp phần lớn vào hành trình bảo vệ môi trường và giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Các chuyên gia nhận định thị trường tín chỉ carbon ngày càng sôi động. Thị trường tín chỉ carbon là nguồn vốn quan trọng giúp các doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước chuyển đổi từ màu nâu (dựa trên tài nguyên) sang màu xanh, vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa tạo động lực, lợi nhuận cho doanh nghiệp và đất nước. Các dự án trồng rừng, bảo vệ rừng và hướng đến quản lý rừng bền vững không chỉ là duy trì, làm tăng bể hấp thụ CO2 mà còn tạo ra thị trường giao dịch carbon lớn tại Việt Nam.

CCTPA: Đối tác tin cậy cho hành trình phát triển bền vững

Công ty CP Sàn Giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam. Là đối tác chính thức của VERRA, một tổ chức quốc tế hàng đầu về xác thực và đăng ký tín chỉ carbon, CCTPA cung cấp dịch vụ trọn gói cho các doanh nghiệp và tổ chức tham gia vào thị trường này, bao gồm tư vấn, đăng ký, kiểm định đến giao dịch trên thị trường.

Ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám Đốc CCTPA, khẳng định: "Thị trường tín chỉ carbon không chỉ là giải pháp môi trường mà còn là cơ hội kinh tế lớn cho Việt Nam, đặc biệt là ngành lâm nghiệp. CCTPA sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức trong việc xây dựng và thực hiện các dự án tín chỉ carbon, từ khâu tư vấn, đăng ký, kiểm định đến giao dịch trên thị trường."

tin-chi-carbon-1721880782.jpg
Ông Nguyễn Võ Trường An - Phó Tổng Giám đốc CCTPA

Cơ hội từ tham gia thị trường carbon trong ngành nông, lâm nghiệp.

Sự kết hợp giữa kinh tế tuần hoàn và thị trường tín chỉ carbon tạo ra một mô hình phát triển bền vững cho ngành lâm nghiệp. Bằng cách áp dụng kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp lâm nghiệp có thể giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng. Đồng thời, việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon mang lại nguồn thu nhập bổ sung, khuyến khích đầu tư vào các dự án bảo vệ và phát triển rừng.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp chế biến gỗ có thể áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn bằng cách sử dụng gỗ phế phẩm để sản xuất viên nén gỗ, vừa giảm thiểu lượng chất thải, vừa tạo ra sản phẩm mới có giá trị. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này có thể tham gia vào các dự án trồng rừng để tạo ra tín chỉ carbon, từ đó tạo thêm nguồn thu và đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Win Sim Tan, Trưởng đại diện VERRA khu vực Đông và Đông Nam Á, chia sẻ: "Chương trình AFOLU của VERRA (Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Sử dụng đất khác) đóng góp quan trọng vào việc giảm lượng khí thải carbon và bảo vệ đa dạng sinh học. Thông qua các dự án này, chúng ta có thể thúc đẩy sử dụng đất và rừng bền vững, cải thiện năng suất nông nghiệp và giảm thiểu suy thoái đất."

verra-1721880880.jpg
Ông Win Sim Tan - Đại diện VERRA

Tọa đàm "Thực hiện chương trình tín chỉ carbon thông qua dự án Nông - Lâm nghiệp với cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn" là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng và cam kết của Việt Nam trong việc phát triển các dự án nông - lâm nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Sự kiện này do CCTPA tổ chức cùng Đại học Đà Lạt và Fairatmos, đã thực hiện chuyên sâu về thảo luận tín chỉ carbon trong nông lâm nghiệp, mở ra nhiều cơ hội và hướng đi mới cho ngành tại thị trường Việt Nam, và trong khu vực. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính thông qua các dự án tín chỉ carbon. Đây cũng là lần đầu tiên tín chỉ carbon nông - lâm nghiệp được thảo luận một cách toàn diện và chuyên sâu tại Việt Nam, đặc biệt là trên cao nguyên Lâm Viên, nơi tiềm năng lớn về phát triển lâm nghiệp một cách bền vững.

toa-dam-1721881025.jpg
Tọa đàm do CCTPA tổ chức cùng Đại học Đà Lạt và Fairatmos

Kinh tế tuần hoàn và thị trường tín chỉ carbon không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là cơ hội bền vững cho ngành nông, lâm nghiệp ở Việt Nam. Chỉ khi biết cách nắm bắt cơ hội này, ngành mới có thể chuyển mình mạnh mẽ, tạo được sự khác biệt trong “cuộc đua” kinh tế tuần hoàn và tạo ra nguồn giá trị kinh tế mới, có sự đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường và giảm nhẹ biến đổi khí hậu của đất nước./.

Lê Thuận - Lê Thu