Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế Vĩnh Phúc

Tại buổi làm việc Đoàn công tác của Chính phủ với tỉnh Vĩnh Phúc vào ngày 10/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu ra nhiều giải pháp để thúc đẩy tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn Vĩnh Phúc.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tăng trưởng kinh tế 4 tháng đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, GRDP quý I/2023 của tỉnh giảm 2,47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp, xây dựng giảm 6,69%, ngành nông nghiệp tăng 2,46%, riêng ngành dịch vụ duy trì được mức tăng 8,91 so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân, do Vĩnh Phúc là địa phương có độ mở kinh tế cao, nên chịu tác động rất mạnh từ kinh tế thế giới. Thứ nữa, do ảnh hưởng của lạm phát cao, tiêu dùng sụt giảm mạnh (từ cuối năm 2022) và do ảnh hưởng của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt chịu ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng cho công ty Samsung (doanh nghiệp có sản lượng thấp so với cùng kỳ năm trước) dẫn đến chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh tăng thấp nhất trong 8 năm qua.

2023-05-10-08-56-059-5d9ce-1683711701.png
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Báo Công Thương

Để kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, từng bước phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền vận động sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm 2023, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Tập trung rà soát rà soát, nắm bắt kịp thời để tháo gỡ thực chất, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc của từng doanh nghiệp, từng dự án đầu tư trên địa bàn (gồm cả dự án đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp), nhất là các dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư và gia tăng năng lực sản xuất mới.

Hai là, khẩn trương hoàn thiện quy hoạch Tỉnh, trên cơ sở tích hợp đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng đề ra trong Nghị quyết 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tổng thể Quốc gia, Quy hoạch Vùng, các Quy hoạch ngành quốc gia và các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực của địa phương, để tạo cơ sở, tiền đề quan trọng cho việc triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn trong tương lai.

Cùng với việc hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, cần chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất và các cơ chế, chính sách đặc thù (nếu có) của địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư (hoặc các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội) trong thời gian tới.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, giám sát và điều hành của chính quyền các cấp, nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ở tất cả các thủ tục, hướng đến phát triển chính quyền số nhằm rút ngắn thời gian và tiết giảm thực chất chi phí cho doanh nghiệp và người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi thế thu hút đầu tư của tỉnh.

Tập trung chấn chỉnh thái độ làm việc, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong tham mưu chính sách, xử lý công việc theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 280 ngày 19/4/2023; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành ở mỗi cấp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường hậu kiểm.

2023-05-10-09-03-0515-1079e-1683711701.png
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với lãnh đạo Công ty Honda Việt Nam. Ảnh báo Công thương

Bốn là, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực và dư địa để phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan (như vật liệu, cơ khí, chế tạo, thương mại, dịch vụ) và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, dẫn dắt đầu tư… Đồng thời, chú trọng nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, huy động tốt nhất các nguồn lực trong xã hội để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Năm là, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, hỗ trợ tốt nhất các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa) trong thực hiện các thủ tục hành chính (có liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước). Chỉ đạo các ngành, địa phương trên địa bàn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai và triển khai các dự án đầu tư. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất trong các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tiếp cận, khai thác các thị trường (cả trong nước và nước ngoài) để phát huy hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (nhất là các Hiệp định thế hệ mới, như EVFTA, CPTPP, RCEP…).

Sáu là, tập trung cao cho nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn, nhất là hạ tầng giao thông, viễn thông, logicstics; hạ tầng thương mại, dịch vụ (cả truyền thống và hiện đại) gắn với đô thị hóa và hoạt động du lịch. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại, đặc biệt là quan tâm phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số và các kênh thương mại điện tử nhằm khai thác có hiệu quả thị trường tiêu dùng nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo động lực mới cho sản xuất và đầu tư trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế tạo quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ, có cơ chế, lộ trình nội địa hóa nguyên liệu, dây truyền sản xuất hiện đại. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ, nâng cao khả năng tham gia của các doanh nghiệp nội địa vào chuỗi cung ứng, nhằm phát triển mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics, tăng tỷ trọng giá trị nội địa và nâng cao tính độc lập, tự chủ trong sản xuất công nghiệp địa phương.

Phát huy thế mạnh của trung tâm công nghiệp quốc gia để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, thương mại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính để phát triển công nghiệp; trong đó, tập trung phát triển các lĩnh vực, các công đoạn của các ngành công nghiệp nền tảng có giá trị gia tăng cao, có khả năng hội nhập và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ, có kỹ năng và kỷ luật, phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp công nghệ cao, tận dụng được cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ công chức đủ năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần xây dựng chính quyền kiến tạo, hiệu lực, hiệu quả, kết hợp với đẩy mạnh các biện pháp truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương./.

Hương Lan