
Hưởng ứng "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2025, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch 58/KH-UBND nhằm phát động chiến dịch cao điểm nhằm tăng cường kiểm tra và truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên phạm vi toàn tỉnh. Mục tiêu trọng tâm của đợt ra quân này là kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt tại các chợ đầu mối, bếp ăn tập thể và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, qua đó bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Kế hoạch hành động này được triển khai dựa trên Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm, cùng với Kế hoạch số 337/KHBCĐTƯATTP của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu kép: vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về vấn đề an toàn thực phẩm, vừa tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và đặc biệt chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Trong thời gian diễn ra Tháng hành động (từ ngày 15/4/2025 đến 15/5/2025), các đoàn kiểm tra liên ngành ở cấp tỉnh, huyện và xã sẽ đồng loạt tiến hành kiểm tra tại các địa điểm được xác định là "điểm nóng" về nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Phạm vi kiểm tra bao gồm các chợ dân sinh, siêu thị, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cũng như các bếp ăn tập thể tại trường học, khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.
Đặc biệt, trong tháng cao điểm này Thanh Hóa sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp truy xuất nguồn gốc thực phẩm, một khâu quan trọng nhưng thường chưa được chú trọng đúng mức trong quá trình giám sát. Các mặt hàng nông sản tươi sống như thịt, rau củ và thủy sản sẽ được truy vết một cách chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu. Điều này không chỉ giúp xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan nếu xảy ra các vụ ngộ độc hay vi phạm về chất lượng, mà còn góp phần xây dựng một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm minh bạch và hiệu quả hơn.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm đến người dân. Mục tiêu là nâng cao ý thức tự giác trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn, đặc biệt trong bối cảnh mùa hè tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền cũng được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng như tổ chức hội nghị, phát thanh lưu động, phổ biến các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đến từng khu dân cư. Đặc biệt, tỉnh sẽ công khai danh sách các cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông để tăng tính răn đe và cảnh báo cho cộng đồng. Đồng thời, những tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn cũng sẽ được biểu dương, nhân rộng để lan tỏa những điển hình tốt trong toàn tỉnh./.