
Chủ động trữ nước ngọt và áp dụng mô hình tưới tự động
Canh tác gần 10 công sầu riêng, những ngày qua thấy tình trạng nắng gay gắt ông Lê Vĩ Tuyến, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp đã chủ động nạo vét và bơm đầy nước cho các mương ống trong vườn. Đồng thời, ông Tuyến còn cho kiểm tra lại các béc tưới của giàn phun tự động mà gia đình đã đầu tư cách đây 2 năm, cho thay thế các béc hư hỏng, đảm bảo nguồn nước có thể tưới phủ gốc sầu riêng.
Ông Tuyến cho biết: “Cách đây vài năm tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp có nước mặn đổ về nên hiện nay bà con làm vườn ai cũng cảnh giác. Mỗi vườn cây nơi đây đều có các ao lớn hay các mương ống trong vườn tích trữ nước ngọt kết hợp với việc trang bị các hệ thống tưới tự động hoặc bán tự động để tiết kiệm lượng nước đủ sử dụng trong mùa khô”.

Để giảm chi phí, thời gian và lượng nước tưới trong mùa khô thì hiện nay nhiều nông hộ ở huyện Phụng Hiệp đã mạnh dạn áp dụng mô hình tưới tự động và bán tự động vào sản xuất. Theo thống kê, huyện Phụng Hiệp hiện có gần 12.000ha cây ăn trái, hơn 3.000ha rau màu. Trong đó, có gần 80% nông dân áp dụng mô hình tưới, tương đương khoảng 9.000ha, tăng gần 1.000ha so với năm 2024.
Trong đó có khoảng 5.000ha áp dụng mô hình tưới tự động hóa như: nhỏ giọt, phun sương, phun mưa. Đặc biệt trong năm 2024, từ nguồn vốn thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch huyện Phụng Hiệp đã hỗ trợ cho 28 hộ thực hiện mô hình bơm tự động, tưới tự động và tưới tiết kiệm điều khiển bằng điện thoại di động. Mô hình đã góp phần tiết giảm đến 90% lượng nước, 70% thời gian và nhân công lao động. Riêng đối với những mô hình bán tự động, cũng giảm gần 50% lượng nước và thời gian tưới.
Bên cạnh việc đầu tư các hệ thống tưới tiết kiệm thì thời điểm này nông dân huyện Phụng Hiệp còn chủ động nạo vét các tuyến kênh nội đồng, để khơi thông dòng chảy, tích trữ nước ngọt. Điển hình như con kênh 6 Nhiễu, thuộc xã Long Thạnh, trước đây khi mùa khô đến thì tuyến kênh gần như cạn đáy. Nhưng mấy năm gần đây, cách 2 đến 3 năm thì chính quyền địa phương lại vận động người dân cùng đóng góp, thuê cơ giới nạo vét tuyến kênh để dẫn nước sâu vào bên trong phục vụ tốt cho hàng trăm héc-ta đất sản xuất khu vực này.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, người dân ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Khu vực này nông dân trồng cây ăn trái, mùa khô cần nhiều nước để tưới cho vườn cây. Trước đây, con kênh này bị bồi lắng phải canh đêm khuya nước lớn mới có thể bơm vào vườn tích trữ lại. Nhưng hiện nay tuyến kênh được nạo vét sâu, nước thông thoáng, mở cống là nước chảy thẳng vào vườn của gia đình”.
Năm qua, từ nguồn vốn Đề án phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu huyện Phụng Hiệp đã huy động gần 4 tỉ đồng để duy tu, sửa chữa, nâng cấp 3 tuyến đê bao phục vụ cho bà con xã Hòa Mỹ sản xuất lúa, canh tác mãng cầu. Như tuyến đê bao kênh Mỹ Hiệp, xã Hòa Mỹ, thời gian qua xuống cấp, không còn đảm bảo công năng khép kín để chủ động tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân trong khu vực nói chung và HTX Mãng Cầu Xiêm xã Hòa Mỹ nói riêng.
Do đó, sau khi nâng cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà vườn trồng mãng cầu xiêm nơi đây thực hiện chuỗi liên kết, tăng năng suất, lợi nhuận, giảm giá thành bơm tưới trong quá trình sản xuất.

Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phụng Hiệp, để đảm bảo tốt công tác phòng chống hạn mặn, đầu năm ngành đã tham mưu cho UBND huyện Phụng Hiệp bố trí nguồn vốn khoảng 20 tỉ đồng để nâng cấp 20 cống hở, cống tròn, trạm bơm điện. Các công trình này sau khi được nâng cấp kết hợp với các công trình được đầu tư trước đó sẽ khép kín cho khoảng 60% diện tích đất sản xuất của huyện.
Bên cạnh giải pháp công trình, huyện cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân thực hiện các giải pháp phi công trình như tích trữ nước, áp dụng linh hoạt các mô hình tưới tiết kiệm. Song song đó, ngành cũng đã phân công cán bộ bám sát địa bàn, thường xuyên quan trắc nồng độ mặn để kịp thời đóng các cống ngăn mặn trên địa bàn đảm bảo cho người dân trong huyện sản xuất an toàn trong mùa hạn mặn năm nay.
Tăng cường hiệu quả công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho biết sẽ tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi để phát huy tối đa các dự án, công trình được bàn giao đưa vào sử dụng. Ưu tiên đầu tư đồng bộ hạ tầng, xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông nông thôn chất lượng đảm bảo thực hiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản làm tiền đề hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn.
Phối hợp xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025. Tăng cường xây dựng và đề xuất các giải pháp, các dự án huy động xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, tăng cường khả năng điều tiết các nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm; tăng cường khả năng tích nước cho mùa hạn mặn, cấp đủ nước sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Chủ động các phương án ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; giảm thiểu tác động tiêu cực của hạn hán, xâm nhập mặn.
Ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cũng yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện, dầu… có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa nhằm trữ nước ngọt trên đồng, ngăn nước mặn xâm nhập lên đồng, bảo vệ tốt cho lúa Đông xuân và Hè thu.
Xây dựng đập thời vụ, cải tiến, đập kiên cố đối với các kênh, rạch chưa có cống, khi độ mặn ngoài sông, kênh chính đạt mức 1,5‰ vận hành các công trình thủy lợi, riêng đối với khu vực trồng sầu riêng, cây ăn trái có giá trị cao độ mặn cảnh báo là 0,5‰, ngăn tất cả các dòng kênh vào đồng ở các khu vực bị nhiễm mặn, không cho nước mặn lên đồng. Khuyến cáo người dân trữ nước trong các ao, mương vườn và sử dụng nước tiết kiệm. Có lịch xuống giống tránh hạn, mặn; chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; xây dựng nhiều mô hình sinh kế phù hợp, nhất là các vùng có khả năng mặn xâm nhập cao.

Theo Sở NN-MT tỉnh Hậu Giang cho biết, để chủ động phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đơn vị đã tăng cường công tác tuyên truyền người dân tích trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong những tháng mùa khô; Tận dụng kênh, rạch hiện có để trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước cho cây trồng, vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại;
Bảo vệ nguồn nước để duy trì sản xuất và sinh hoạt, giảm rủi ro về an ninh lương thực; Ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp như tưới tiết kiệm nước, thủy canh, khí canh và nuôi trồng thủy sản thích ứng với hạn, mặn nhằm giảm tác động tiêu cực và nâng cao hiệu quả sản xuất trong bối cảnh biến đổi khí hậu;
Mở rộng tuyến ống cấp nước sạch đảm bảo nước sạch cho người dân trong mùa hạn, mặn; Đầu tư, nâng cấp từ ngân sách và xã hội hóa, các nguồn vốn hợp pháp để cung cấp thiết bị xử lý, trữ nước ngọt, mở rộng đường ống cấp nước tại huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh;
Rà soát, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, đê bao, cống bọng, trạm bơm, đảm bảo trữ nước ngọt và ngăn nước mặn, bảo vệ vùng sản xuất nông nghiệp; Chuẩn bị xây dựng đập thời vụ, đập kiên cố tại các kênh rạch chưa có cống khi độ mặn đạt 1,5‰, đặc biệt với cây trồng nhạy cảm như sầu riêng là 0,5‰;
Đối với vùng nguy cơ hạn, ảnh hưởng mặn, đảm bảo trữ ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân cần thực hiện đồng bộ kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện, bơm dầu…; Thường xuyên kiểm tra các công trình nhằm trữ nước ngọt trên đồng; đóng các cửa, nắp cống, nạo vét các tuyến kênh bị bồi lắng để trữ nước ngọt./.
Từ đầu năm 2025, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh năm 2025.
Theo dự báo, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có thể xảy ra từ nhiều hướng. Từ phía biển Đông, mặn vượt sông Hậu và các kênh nhánh như kênh Cái Côn, Mái Dầm, huyện Châu Thành, kênh Đại Hải (tỉnh Sóc Trăng), uy hiếp thành phố Ngã Bảy, huyện Châu Thành, một phần huyện Phụng Hiệp.
Từ các kênh chính của tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bạc Liêu, mặn có thể ảnh hưởng thị xã Long Mỹ, một phần huyện Phụng Hiệp. Từ biển Tây, mặn theo sông Cái Lớn, sông Nước Trong, đe dọa huyện Long Mỹ, một phần huyện Vị Thủy, thành phố Vị Thanh.
Theo đó, ngành chức năng tỉnh tỉnh Hậu Giang xác định vùng nguy cơ bị hạn hán, ảnh hưởng mặn có tổng diện tích ước tính khoảng từ 90-110 ngàn ha, bao gồm vụ lúa đông xuân 2024-2025, hè thu 2025 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản thuộc địa bàn các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy.
Xác định vùng nguy cơ xâm nhập mặn, ảnh hưởng hạn có tổng diện tích ước tính khoảng từ 50-60 ngàn ha, bao gồm vụ lúa đông xuân 2024-2025, hè thu 2025 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh.
Hạn hán, xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, nhất là nguồn nước sinh hoạt. Theo đó, xác định vùng thiếu nước sinh hoạt gồm huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh, đối mặt nguy cơ thiếu nước sinh hoạt do hạn và xâm nhập mặn, cần chuẩn bị tốt kế hoạch phòng, chống, khắc phục. Đồng thời, mở rộng và phát triển tuyến ống cấp nước sạch để đảm bảo nguồn nước cho người dân trong giai đoạn chịu ảnh hưởng hạn, mặn.