Nghề trồng nấm - hướng đi thoát nghèo và phát triển bền vững của người dân Đắk Lắk

Những năm qua, nghề trồng nấm đã giúp nhiều nông dân Đắk Lắk từng bước thoát nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống. Trước những thay đổi của thị trường, nghề này đã thay đổi để tiếp tục phát triển.
trai-nam-cua-ong-nguyen-tho-kien-o-xa-hoa-xuan-tp-buon-ma-thuot-1720374617.jpg
Trại nấm của ông Nguyễn Thọ Kiên ở xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột)

Ông Nguyễn Thọ Kiên ở phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) là một hộ trồng nấm lâu năm cho hay lúc đầu ông chỉ trồng một số phôi nấm bào ngư để nhu cầu ăn uống hằng ngày. Dần dà rồi đam mê lúc nào không hay. Từ quy mô nhỏ, nay ông Kiên đã mở rộng thêm diện tích trồng và sở hữu một trang trại 3.500 m2. Tại đây, ông trồng một số loại nấm như nấm bào ngư, nấm sò, nấm linh chi, nấm mèo...

Ông Kiên cho biết thêm mỗi ngày trang trại của ông xuất bán trung bình khoảng 2 tạ nấm tươi, lúc cao điểm có thể lên tới 3 tạ. Giá bán trung bình một số sản phẩm như nấm sò là 12.000 đồng/kg, nấm bào ngư 30.000 đồng/kg, nấm linh chi từ 700.000 – 1 triệu đồng/kg (tùy thời điểm). Hầu hết các loại nấm của ông Kiên được thương lái tìm đến thu mua tận nhà nên ông cũng không phải vất vả lo tìm đầu ra.

Với số lượng trang trại sản xuất, sản lượng nấm ngày càng tăng và được thu mua tận nơi, nếu muốn mở rộng quy mô thì không thể nào chỉ tập trung bán lẻ. Hiểu rõ điều này, năm 2019 ông Kiên đã chủ động liên kết một số người trồng nấm trên địa bàn tỉnh để thành lập Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng nấm Hòa Xuân và trở thành Giám đốc của HTX này.

Sau 5 năm, hiện HTX đã quy tụ được 12 xã viên cùng 3 thành viên liên kết. Quy mô trồng nấm của HTX lên tới 13.000 m2 nhà trại trồng nấm. Từ lúc thành lập HTX đến hiện tại, tất cả các loại nấm của các thành viên đều được thương lái cả nước đến thu mua tận nơi. Không phải lo tìm đầu ra nên thu nhập kinh tế và đời sống của xã viên ngày một đi lên.

Tuy nhiên, do phần lớn các thành viên có kỹ thuật sản xuất còn thủ công, lạc hậu, việc sản xuất đều là tự phát nên nhìn chung nghề trồng nấm của HTX Nuôi trồng nấm Hòa Xuân vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Để thích nghi và phát triển bền vững, HTX đã linh hoạt thay đổi từng bướcv ề sản xuất và kinh doanh. Ngoài việc tăng cường nội lực chung, HTX có nhiệm vụ xây dựng liên kết, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ lớn, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm từ cây nấm.

Theo đó, HTX đã chủ động đa dạng hóa các chủng loại, giống nấm sao cho phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên tại địa phương, từng bước ứng dụng công nghệ cao từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ. Kế đến, ứng dụng công nghệ cao từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ,... một cách phù hợp.

mo-hinh-trong-nam-linh-chi-ban-tu-nhien-cua-hop-tac-xa-nuoi-trong-nam-hoa-xuan-1720374543.jpg
Mô hình trồng nấm linh chi bán tự nhiên của Hợp tác xã Nuôi trồng nấm Hòa Xuân.

Để chuyên nghiệp hóa dây chuyền sản xuất, HTX đã đầu tư 3 tỷ đồng cho dây chuyền trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất. Năm 2023, HTX được Liên minh HTX tỉnh cho vay gần 90 triệu đồng để mua máy xay mùn cưa phục vụ quá trình làm phôi nấm; 500 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, HTX đã có một hệ thống dây chuyền khép kín từ khâu nuôi trồng đến xuất bán. Công việc sản xuất - kinh doanh trở nên thuận lợi hơn, mở rộng thêm nhà trại và sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính.

Ngoài nấm tươi, hiện nay HTX còn tập trung phát triển sản phẩm nấm đạt chứng nhận OCOP. Song song đó, HTX cũng đang nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ nấm như: trà nấm linh chi vàng, trà nấm linh chi đỏ, trà túi lọc, rượu… Đặc biệt, HTX đang trồng thử nghiệm nấm linh chi dạng bán tự nhiên, theo kiểu trồng ngoài trời và có bạt che phủ. Với cách trồng này, cây nấm phát triển theo hướng hoang dã và giảm bớt diện tích nhà trại.

Nhằm tạo điều kiện cho xã viên phát triển kinh tế, các hộ khó khăn sẽ được HTX hỗ trợ một phần kinh phí. Theo đó, căn cứ vào chu kỳ phát triển của nấm, trung bình 3 tháng một lần, HTX sẽ cung cấp từ 12.000 – 30.000 bịch phôi nấm cho mỗi xã viên và thành viên liên kết của HTX. Đây là nguồn lực và cũng là động lực để HTX phát triển và duy trì sự gắn bó, hợp tác của các thành viên với nhau.

mot-nong-dan-trao-doi-voi-can-bo-tram-khuyen-nong-tp-buon-ma-thuot-ve-ky-thuat-trong-nam-1720374575.jpg
Nông dân trao đổi với cán bộ Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột về kỹ thuật trồng nấm.

Anh Nguyễn Nhật Chúng ở huyện Cư M’gar trước đây mắc bệnh hiểm nghèo nên kinh tế gia đình lâm vào khó khăn. Kể từ lúc khi tham gia vào HTX, anh Chúng được hỗ trợ tận tình về kỹ thuật nuôi trồng nấm cũng như bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra. Có chỗ dựa tin cậy, anh Chúng đã tập trung phát triển lên 12.000 bịch phôi nấm. 3.000 bịch phôi trong số đó đến từ sự hỗ trợ của HTX. Nhờ sự tiếp sức của HTX mà, kinh tế và đời sống gia đình anh Chúng ngày một đi lên vững vàng.

Điều đáng mừng hơn nữa là từ sự thành công của mình, HTX Nuôi trồng nấm Hòa Xuân còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương, với mức lương 6 – 9 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX này còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị khác thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội, đóng góp giá trị tích cực cho cộng đồng và địa phương./.

Kiến Giang