Đắk Lắk đẩy mạnh công tác đa dạng sinh kế giúp người dân giảm nghèo bền vững

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Đắk Lắk đã triển khai nhân rộng các mô hình đa dạng sinh kế giúp người dân thay đổi suy nghĩ để thoát nghèo vươn lên.
mot-mo-hinh-chan-nuoi-nong-ho-giup-nguoi-dan-thoat-ngheo-tren-dia-ban-xa-ea-rieng-1716547433.jpg
Một mô hình chăn nuôi nông hộ giúp người dân thoát nghèo trên địa bàn xã Ea Riêng

Linh hoạt nhiều giải pháp 

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngãi ở xã Cư Né (huyện Krông Búk) là điển hình của việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi để thoát nghèo. Bà Ngãi cho biết gia đình bà vốn đông con, lại không có nghề nghiệp ổn định, thiếu cả đất sản xuất và vốn đầu tư. Trước đây, dù quanh năm làm lụng vất vả nhưng cuộc sống của gia đình bà vẫn luôn thiếu trước, hụt sau.

Đến năm 2019, bà Ngãi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng. Số vốn này bà dùng vào cải tạo đất, mua giống, phân bón để tái canh 6 sào cà phê già cỗi và trồng xen canh thêm sầu riêng, bơ.

“Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình tôi đã hồi sinh thành công vườn cà phê lâu năm. Hiện nay, với thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm, tôi đã trả hết nợ và cuộc sống ổn định. Hai năm trước, tôi đã làm đơn tự nguyện xin thoát khỏi hộ nghèo” - bà Ngãi phấn khởi cho hay.

Anh Y Tuyn Mlô ở thị trấn Pơng Drang là một trường hợp tiêu biểu khác. Năm 2022. sau khi tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Krông Búk, anh Y Tuyn đã thành thạo các thao tac vận hành, sửa chữa máy nông nghiệp. Ngay khi có chứng chỉ nghề, anh được nhận vào làm việc tại một xưởng cơ khí ở địa phương, với thu nhập ổn định từ 7-10 triệu đồng/tháng.

Gia đình bà H'Thoai Niê cũng thuộc diện hộ nghèo ở xã Ea Nuôl. Năm 2022, gia đình bà được hỗ trợ 2 con bò sinh sản. Ngoài ra, bà còn được tham gia tập huấn cách chăm sóc, vệ sinh chuồng trại và phòng ngừa dịch bệnh. Đến nay, từ cặp bò ban đầu bà đã phát triển lên 4 con.

Bà H'Thoai vui mừng cho biết: "Mình tận dụng thời gian rảnh rỗi để chăm sóc bò. Do thức ăn cũng dễ tìm nên đàn bò sinh sản tốt, gia đình có khoản thu nhập đáng kể nuôi các con học hành, chữa bệnh. Đời sống kinh tế bớt đi khó khăn hơn so với trước".

lanh-dao-ubnd-xa-cu-ne-huyen-krong-buk-den-tham-va-tim-hieu-hoan-canh-cua-mot-ho-ngheo-tai-dia-phuong-de-trien-khai-cong-tac-giam-ngheo-1716547498.jpg
Lãnh đạo UBND xã Cư Né (huyện Krông Búk) đến thăm và tìm hiểu hoàn cảnh của một hô nghèo tại địa phương để triển khai công tác giảm nghèo.

Tại huyện Buôn Đôn, các dự án và tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai đầy đủ, kịp thời. Trong quá trình thực hiện, các cán bộ xã, thôn luôn bám theo hướng dẫn và  giám sát nhằm bảo đảm nguồn vốn vay ưu đãi được các hộ nghèo - cận nghèo sử dụng hiệu quả. Nhờ đó nên đời sống của người dân trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 29,98%, giảm 3,96% so với năm 2022.

Hướng đến việc khơi dậy ý chí, tự lực thoát nghèo của người dân

Công tác giảm nghèo bền vững được Đảng và chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Nó đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài. Đồng thời, tỉnh còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cũng như nhân rộng các mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

so-ld-tb-xh-dak-lak-to-chuc-buoi-tu-van-va-gioi-thieu-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-1716547527.jpg
Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk tổ chức buổi tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động.

Đến nay, nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất đã được tỉnh đẩy mạnh như: Vay vốn ưu đãi, dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ về y tế - giáo dục, trợ giúp pháp lý... Các chính sách này đã phát huy hiệu quả, thực hiện thành công các mục tiêu chung của tỉnh. Đồng thời, thay đổi diện mạo nông thôn cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.

Năm 2023, Đắk Lắk đã đào tạo nghề cho 1.361 lao động cho các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và thu nhập thấp. Đồng thời, tỉnh cũng giải quyết việc làm cho khoảng 30.170 người lao động. Trong công tác an sinh xã hội, tỉnh đã xây mới 794 căn nhà và sửa chữa 516 căn nhà ở khác. Ngoài ra, hỗ trợ hơn 47.300 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi, với tổng số tiền hơn 2.086 tỷ đồng.

dao-tao-nghe-va-giai-quyet-viec-lam-con-la-mot-huong-di-giam-ngheo-ben-vung-cua-dak-lak-1716547552.jpg
Đào tạo nghề và giải quyết việc làm còn là một hướng đi giảm nghèo bền vững của Đắk Lắk.

Có thể nói, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án kết hợp với những giải pháp, cách làm sáng tạo. Năm 2023 vừa qua, tỉnh đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 9,15% (giảm 1,79%), đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 19,7% (giảm 3,38%); tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 34,45% (giảm 4,81%).

Đến cuối năm 2024, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh từ 1,5-2%; hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3 - 4%; hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%. Theo UBND tỉnh Đắk Lắk: “Bên cạnh trợ lực của Nhà nước từ các chương trình, chính sách mục tiêu quốc gia, thì ý chí tự lực, sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân là yếu tố then chốt, quyết định sự thoát nghèo bền vững”./.

Kiến Giang