Nông nghiệp được Đắk Lắk xác định là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội và chiếm khoảng 35% GRDP trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động tuyên truyền,hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
Hiện nay, ứng dụng công nghệ 4.0 đang được xem là giải pháp tối ưu trong việc hỗ trợ cũng như định hình đường lối phát triển cho nông nghiệp của Đắk Lắk. Đặc biệt, đây còn được xem là giải pháp tổng thể và triệt để khắc phục những hạn chế mà nền nông nghiệp ở các huyện đã và đang phải đối mặt trong những năm qua.
Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp tại địa phương triển khai ứng dụng các công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản. Điển hình là Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm với mô hình Cà chua trái cây Nova ứng dụng nhật ký điện tử và các thiết bị thông minh có liên kết với người dân; Hợp tác xã Ea Tân ở huyện Krông Năng quản lý vườn cây bằng công nghệ số, sử dụng nhật ký nông hộ điện tử và đã xây dựng bản đồ số nông nghiệp,...
Đáng chú ý, trong thời gian qua có gần 10.000 cây sầu riêng tại của Công ty Cổ phần Nông nghiệp CNC Hoàng Mỹ Tây Nguyên ở xã Chứ Kbô (huyện Krông Búk) đã được gắn QR code. Hoạt động này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh, hướng đến việc xây dựng một nền nông nghiệp minh bạch và trách nhiệm.
Ông Trần Kim Tiền - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp CNC Hoàng Mỹ Tây Nguyên cho biết, việc gắn QR code cũng như niêm yết cây sầu riêng trên nền tảng công nghệ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó mở ra cánh cửa cho việc truy xuất nguồn gốc, định vị và cá nhân hóa từng cây sầu riêng. Qua đó, nâng giá trị của trái sầu riêng Việt Nam. "Chương trình hướng đến mục tiêu xây dựng cộng đồng nông dân sáng tạo, có tư duy đổi mới và khẳng định vị thế thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên toàn thế giới” - ông Tiền khẳng định.
Tại Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chỉ ra các vướng mắc của ngành. Trong đó, đáng chú ý là theo kế hoạch đến cuối 2024 phải đạt 80% số hóa dữ liệu trong nông nghiệp. Tuy nhiên đến nay tỷ lệ đã thống kê và có thể kết nối vào hệ thống chung vẫn chưa cao.
Cũng theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp để công tác chuyển đổi số được thuận lợi hơn. Phó Thủ tướng đặt mục tiêu: “Phải làm sao có thể kết nối, chia sẻ và sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu đã có, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con nông dân và doanh nghiệp khi tham gia xây dựng hệ thống này”.
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong nông nghiệp thì cần thực hiện số hóa dữ liệu ngành một cách bài bản và khoa học. Cụ thể là phải đẩy mạnh phát triển các nền tảng số, ứng dụng số, hệ thống dữ liệu lớn như: đất đai, cây trồng, vật nuôi, rừng, thủy sản, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thị trường…;
Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết mặc dù đã đạt một số kết quả tương đối khả quan nhưng nhưng nhiều nội dung và lĩnh vực kinh tế số nông nghiệp vẫn chưa triển khai được. “Do hạ tầng cơ sở còn hạn chế và chưa đồng bộ. Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ của Nhà nước hầu như không có, chủ yếu là dựa vào nguồn lực của người dân và doanh nghiệp” - ông Dương giải thích./.