Đắk Lắk với chiến lược xuất khẩu cà phê “giảm thô, tăng chế biến sâu”

Chiếm hơn 80% sản lượng xuất khẩu của cả nước trong hơn 20 năm qua, nhưng lượng cà phê chế biến sâu của Đắk Lắk chỉ chiếm trên dưới 5%. Con số đó chưa tương xứng với giá trị ngành cà phê của tỉnh này.

Nhiều ý kiến cho rằng, con số 5% là một tỷ lệ quá thấp so với một số quốc gia sản xuất - chế biến và xuất khẩu cà phê nhất nhì tại Đông Nam Á và thế giới. Những niên vụ cà phê 2021 - 2022 và 2022 - 2023 gần đây, tỷ lệ cà phê xuất khẩu đã tăng lên đáng kể với trên dưới 380.000 tấn nhưng chủ yếu vẫn là cà phê nhân. Trong khi đó, tỷ trọng cà phê hòa tan chỉ chiếm hơn 5%.

hoat-dong-che-bien-ca-phe-xuat-khau-tai-cong-ty-tnhh-mtv-xuat-nhap-khau-2-9-dak-lak-1718765391.jpg
Hoạt động chế biến cà phê xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk

Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng những nỗ lực trong việc quảng bá, định danh cho thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trong thời gian dài vẫn chưa được như kỳ vọng. “Nhìn vào tổng thể tình hình xuất khẩu cà phê Việt Nam nói chung trong nhiều năm qua, có thể thấy rõ các sản phẩm cà phê chế biến quá ít. Ngay ở Đắk Lắk cũng chỉ có vài doanh nghiệp nỗ lực theo đuổi mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu cà phê chế biến sâu ra thế giới” - ông Minh cho biết.

Tiêu biểu là Cà phê Trung Nguyên đã có nhiều sản phẩm cà phê chế biến gốc gác từ vùng đất nổi tiếng Buôn Ma Thuột đi đến nhiều nơi trên thế giới trong gần 20 năm qua. Tuy nhiên, đến nay chỉ có duy nhất sản phẩm G7 của tập đoàn đáp ứng được bước đầu yêu cầu của hệ thống siêu thị Walmart tại một số quốc gia Nam Mỹ như: Chile, Brazil, Mexico và Trung Quốc … nhưng cũng chỉ với số lượng rất “khiêm tốn”.

Một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê khác là công ty Cà phê An Thái mỗi năm cũng chỉ xuất khẩu khoảng 2.000 tấn cà phê tinh chế ra thế giới. Ông Nguyễn Xuân Lợi - Tổng Giám đốc Công ty Cà phê An Thái chia sẻ đó là nỗ lực lớn của công ty trong việc đáp ứng tiêu dùng ngày càng cao của khách hàng. “Ngoài cà phê rang xay, cà phê hòa tan, công ty đã có thêm loại cà phê phin giấy theo công nghệ Mỹ hay cà phê viên nén, cà phê hạt rang nguyên chất theo từng giống như arabica, moka, robusta,… mà trước đây rất ít người biết đến” - ông Lợi cho biết.

dak-lak-tap-trung-nang-cao-chat-luong-de-gia-tang-gia-tri-ca-phe-1718765283.jpg
Hiện nay, Đắk Lắk tập trung nâng cao chất lượng để gia tăng giá trị cà phê.

Dù trên thị trường trong nước và ngoài nước đã xuất hiện khá nhiều sản phẩm cà phê chế biến với một số thương hiệu khác nhau nhưng chưa đủ để ngành cà phê Đắk Lắk hài lòng với những gì hiện có. Nhất là trong bối cảnh tỉnh định hướng phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành “thủ phủ cà phê” của thế giới.

Việc thúc đẩy chế biến sâu cho ngành cà phê đang được nhiều doanh nghiệp nghiêm túc quan tâm. Vấn đề là lựa chọn và phát triển theo đường hướng nào nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm chiến lược đặc thù này là bài toán lớn không chỉ cho doanh nghiệp, mà cho cả cộng đồng sản xuất, kinh doanh cà phê và các cấp, ngành có liên quan.

dak-lak-huong-den-san-xuat-va-xuat-khau-cac-san-pham-ca-phe-tinh-che-ca-phe-dac-san-1718765255.jpg
Đắk Lắk hướng đến sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm cà phê tinh chế, cà phê đặc sản.

Từ lâu, giá trị cà phê Việt Nam đã được thế giới công nhận. Cà phê chế biến của Việt Nam cũng đang được bạn hàng và thị trường thế giới ưa chuộng. Nhưng để tăng tỷ trọng và chất lượng cà phê chế biến lên cao hơn đòi hỏi sự chung tay của tất cả nhà sản xuất, doanh nghiệp và Nhà nước.

Vì vậy, hướng phát triển chuỗi giá trị gia tăng cho ngành hàng chiến lược này đang được các chuyên gia khuyến cáo là “giảm bán cà phê thô, tăng bán chế biến sâu”. Đó cũng là bài toán được đặt ra đối với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê hiện nay ở “thủ phủ” cà phê Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung./.

Kiến Giang