Sản xuất lúa xanh giảm phát thải - hướng đi mới mang lại lợi nhuận cho nông dân Đắk Lắk

Là địa phương sản xuất lúa đứng đầu khu vực Tây Nguyên và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Đắk Lắk đang hướng đến mục tiêu sản xuất xanh, giảm phát thải carbon để cây lúa trở thành thế mạnh của tỉnh.

Ông Lê Như Hùng ở xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) là một trong những nông dân đầu tiên tham gia thực hiện thí điểm mô hình canh tác lúa xanh giảm phát thải. Ông Hùng chia sẻ sau 3 tháng gieo trồng, ông vừa thu hoạch được gần 45 tấn lúa trên diện tích 4ha. Nhờ áp dụng quy trình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ và có quy trình bón phân phù hợp, vụ lúa này ông Hùng giảm được 50% nước tưới và 15% chi phí nhưng năng suất tăng gấp đôi.

4ha-ruong-thi-diem-canh-tac-lua-xanh-giam-phat-thai-cua-ong-le-nhu-hung-o-xa-binh-hoa-huyen-krong-ana-tinh-dak-lak-1716835732.jpg
4ha ruộng thí điểm canh tác lúa xanh giảm phát thải của ông Lê Như Hùng ở xã Bình Hòa (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk)

Đặc biệt, mô hình trồng lúa này khi thành công còn góp phần bảo vệ môi trường và tạo thêm thu nhập từ việc bán tín chỉ carbon. “Nếu nhận được chứng chỉ carbon thì quá tốt. Tôi mong muốn chính quyền địa phương nhân rộng để bà con nông dân sản xuất theo mô hình này, chung tay cùng giảm phát thải” - ông Hùng chia sẻ.

Theo tính toán của Công ty Spiro Carbon (Mỹ) (một trong những đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu - đo đạc các chỉ số carbon trong nông nghiệp) với kết quả mang lại từ mô hình canh tác lúa xanh giảm phát thải tại xã Bình Hòa thì tỉnh Đắk Lắk, dự kiến 1 ha sẽ giảm được khoảng 3,5 tấn carbon. Ông Ammarin Daranpon - đại diện công ty nhận định: “Đắk Lắk có nhiều lợi thế để triển khai canh tác lúa xanh, giảm phát thải. Tôi thấy người dân ở đây đã làm rất tốt. Đây là cơ sở để mở rộng mô hình này cho Việt Nam, góp phần giảm khí phát thải chung tay bảo vệ trái đất”.

phuong-phap-moi-cho-nang-suat-lua-tang-2-tan-moi-ha-so-voi-phuong-phap-canh-tac-truyen-thong-1716835709.jpg
Phương pháp mới cho năng suất lúa tăng 2 tấn mỗi ha so với phương pháp canh tác truyền thống

Ông Trần Minh Tiến - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon Việt Nam cho biết công ty đang chờ kết quả chính thức của Công ty Spiro Carbon (Mỹ) về kết quả giảm phát thải từ mô hình sản xuất lúa ở Đắk Lắk. Khi có đầy đủ số liệu cụ thể, công ty sẽ mua tín chỉ carbon với đơn giá 20 USD/tấn và trao chứng chỉ carbon sản phẩm lúa gạo đầu tiên của Việt Nam cho nông dân Đắk Lắk.

Theo ông Nguyễn Hắc Hiển - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, hằng năm toàn tỉnh sản xuất lúa ổn định trên 100.000 ha, chiếm gần 35% diện tích gieo trồng cây hằng năm và có sản lượng ước đạt 800.000 tấn/năm. Việc thực hiện thí điểm thành công mô hình canh tác lúa xanh giảm phát thải là cơ sở quan trọng để Đắk Lắk phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo giúp gia tăng giá trị cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.

can-bo-khuyen-nong-kiem-tra-chat-luong-lua-khi-ap-dung-quy-trinh-canh-tac-uot-kho-xen-ke-1716835665.jpg
Cán bộ khuyến nông kiểm tra chất lượng lúa khi áp dụng quy trình canh tác ướt - khô xen kẽ

"Sở sẽ phối hợp với UBND các huyện có vùng lúa trọng điểm rà soát lại đăng ký danh sách vụ mùa sắp tới. Đây là chương trình lâu dài nên cần có kế hoạch bài bản và có sự tham gia tự nguyện của các địa phương và đặc biệt là của người dân. Người nông dân tham gia năng suất không giảm, chất lượng được nâng lên và có thể thu được kinh phí từ bán tín chỉ carbon” - ông Hiển nhấn mạnh.

Trong ngành nông nghiệp hiện nay, sản xuất lúa gạo hiện chiếm 48% lượng phát thải khí nhà kính và hơn 75% lượng khí thải metan - tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc nông dân Đắk Lắk quan tâm đến sản xuất lúa gạo giảm phát thải sẽ góp phần dịch chuyển ngành lúa gạo Việt Nam đi theo con đường phát triển xanh và bền vững./.

Kiến Giang