Ngành Nông nghiệp giải ngân vốn đầu tư công ước đạt gần 42% kế hoạch

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đến hết tháng 5/2024, ngành nông nghiệp giải ngân 4.154,5 tỷ đồng, đạt 41,8% kế hoạch năm, trong số đó, dự án vốn đầu tư trong nước giải ngân được 47%; dự án vốn vay ODA được gần 14%.
z5009981428277-d6d128450ab9810b22633d8798af8bfb1-20240122145808-1717478738.jpg
Hồ Krông Pách thượng (Đắk Lắk) sẽ cấp nước tưới cho 14.900 ha đất nông nghiệp. (Ảnh IT).

Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, Bộ được giao 9.935,3 tỷ đồng vốn đầu tư công (vốn trong nước 8.428,7 tỷ đồng, vốn ODA 1.506,6 tỷ đồng). Đến hết ngày 31/5/2024, ước giải ngân của toàn ngành Nông nghiệp đạt 4.154,5 tỷ đồng, đạt 41,8% kế hoạch.

Trước nguồn vốn được giao và khả năng có thể giải ngân, ngay từ đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư năm 2024 của bộ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bổ sung thêm 5.500 tỷ đồng kế hoạch vốn trong nước hoặc ứng trước kế hoạch vốn trong nước năm 2025. Đồng thời cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn đối với một số dự án do chưa cân đối được nguồn vốn kế hoạch năm theo tiến độ.

Với nguồn vốn đề xuất bổ sung thêm là 5.500 tỷ đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Bộ mong muốn sớm được bố trí vốn (nếu có).

Nếu nguồn vốn này đến quý 3/2024 mới được phê duyệt thì Bộ rất khó có thể giải ngân được hết trong những tháng còn lại của năm 2024, bởi các ngành nông nghiệp hầu hết là các công trình thủy lợi, việc thi công phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, đặc biệt là mùa mưa bão, thiên tai đang đến gần.

Tổng số các dự án đã triển khai giải ngân có: 289 dự án, dự án thành phần (trong đó: 164 dự án đã khởi công; 80 dự án đã phê duyệt (chưa khởi công); 31 dự án đang hoàn thiện chờ phê duyệt và 14 dự án tạm dừng).

Có 14 dự án tạm dừng do vướng quy hoạch, hoặc dự án có kỹ thuật phức tạp cần nghiên cứu thêm hay sau khi nghiên cứu dự án chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tập trung cho các dự án chuyển tiếp còn vướng mắc (Hồ Cánh Tạng, Krông Pách Thượng, Bản Mồng). Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện giải ngân theo kế hoạch đã đăng ký với bộ; điều hành vốn linh hoạt, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có khả năng giải ngân cao.

Trong quá trình triển khai các dự án, đơn vị tổ chức kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý chất lượng ngay từ đầu, nhất là khâu chuẩn bị kỹ thuật dự án, lường trước các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đảm bảo hạn chế tối đa phát sinh ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tích cực phối hợp cùng địa phương tháo gỡ khó khăn liên quan trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án như thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng hay việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương còn chậm…

Cùng với đó, đôn đốc đơn vị tư vấn thiết kế và tư vấn thẩm tra phối hợp chặt chẽ trong quá trình khảo sát thiết kế, rút ngắn thời gian hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo đủ chất lượng, điều kiện trình phê duyệt dự án.

Quốc Cường