Số hóa ngành nông nghiệp: Nhận diện những điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trước hết đánh giá cao những nỗ lực trong công tác chuyển đổi số cũng như các thành tựu mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong thời gian vừa qua, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu ra 6 vấn đề còn vướng mắc trong công tác số hóa ngành nông nghiệp.

Chiều 14/5, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” kết nối trực tuyến đến điểm cầu trụ sở UBND thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hội nghị do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì, tham dự có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng nhiều đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tham gia trực tiếp và trực tuyến.

chuyen-doi-so-nong-nghiep-05-1715696376.jpg
Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”.

Đây là một trong những hội nghị số hóa đầu tiên về kinh tế ngành trong năm 2024 do Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số giao cho các Bộ ban ngành, nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước.

Nhận diện 6 vấn đề vướng mắc về số hóa nông nghiệp

Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia sẽ đánh giá thực trạng, các điểm nghẽn về tình hình số hóa, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời cũng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn và đề xuất giải pháp về số hóa nông nghiệp chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Sau khi lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trước hết đánh giá cao những nỗ lực trong công tác chuyển đổi số cũng như các thành tựu mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong thời gian vừa qua, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

chuyen-doi-so-nong-nghiep-02-1715696416.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu ra 6 vấn đề còn vướng mắc trong công tác số hóa ngành nông nghiệp. Đầu tiên là vướng mắc trong thể chế cho phát triển nông nghiệp nói chung và chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng.

“Chính phủ đang nỗ lực hàng ngày để có thể tạo ra được những hành lang pháp lý thuận lợi”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.

Vấn đề thứ hai mà ông đưa ra là hạ tầng số trong nông nghiệp còn rất yếu và có lẽ là đang ở mức yếu nhất trong tất cả các ngành. Tiếp theo là những vướng mắc trong vấn đề cải cách hành chính, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình mới đạt 16% trong khi kế hoạch đến cuối 2024 phải đạt 80%.

Vấn đề thứ 4 là số hóa dữ liệu trong nông nghiệp, trên thực tế dữ liệu này của ngành nông nghiệp rất lớn nhưng tỷ lệ đã thống kê và có thể kết nối vào hệ thống chung vẫn chưa cao.

Thiếu nhân lực chuyển đổi số được Phó Thủ tướng nêu ra như vướng mắc thứ 5 của ngành nông nghiệp trong vấn đề này. Thêm một điểm hạn chế nữa được lãnh đạo Chính phủ đưa ra đó là công tác hỗ trợ doanh nghiệp và bà con nông dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

2 nhóm nhiệm vụ tạo đột phá chuyển đổi số nông nghiệp

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng đưa ra 2 nhóm nhiệm vụ. Với Bộ NN&PTNT, Phó Thủ tướng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính để công tác chuyển đổi số được thuận lợi hơn. “Mục tiêu của cải cách hành chính là càng đơn giản, càng dễ hiểu càng tốt”, ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Tiếp theo là hợp nhất được hệ thống thông tin dữ liệu để có hệ thống đồng bộ về cơ sở dữ liệu để có thể đấu nối vào cổng dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng có thể khai thác được nguồn dữ liệu về dân cư của Bộ Công an đã xây dựng, với điều kiện đảm bảo được an toàn, an ninh. Từ đó, định danh được hệ thống tàu thuyền, thủy thủ của Việt Nam để quản lý hiệu quả hơn.

chuyen-doi-so-nong-nghiep-06-1715696350.jpg
Phải triển khai hệ thống hạ tầng số để làm sao có thể kết nối, chia sẻ và sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu đã có. (Ảnh minh họa)

Với nhóm nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT phát triển cơ sở dữ liệu cho ngành trên cơ sở hệ thống đã có về thời tiết, thủy lợi, kinh nghiệm sản xuất hay truy xuất nguồn gốc… với mục tiêu dữ liệu phải đầy đủ, kết nối tốt.

Thứ hai, phải triển khai hệ thống hạ tầng số để làm sao có thể kết nối, chia sẻ và sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu đã có, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con nông dân và doanh nghiệp khi tham gia xây dựng hệ thống này.

Nhiệm vụ thứ ba mà Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT là xử lý các vấn đề về kỹ thuật liên quan đến công tác số hóa ngành nông nghiệp.

“Điều tôi mong muốn là trong tương lai gần muốn tìm kiếm gì lên mạng tìm cũng có. Các thông tin đó phải đầy đủ, chính xác và cập nhật kịp thời cũng như hấp dẫn, dễ hiểu, miễn phí để thu hút được người dùng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu tìm ra lĩnh vực, địa phương cần ưu tiên để thực hiện chuyển đổi số trước, với tinh thần làm tới nơi, tới chốn. Bên cạnh đó là vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ hiện nay của Việt Nam như FPT, Viettel, VNPT…

“Những công ty công nghệ có thể xây dựng giải pháp, hạ tầng rồi cho người dân, doanh nghiệp hay cơ quan quản lý thuê các dịch vụ công nghệ này”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gợi ý thêm.

Công nghệ sẽ mở hướng phát triển bền vững, phát triển xanh tại Việt Nam

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã làm việc với nhiều bộ, ngành về vấn đề chuyển đổi số nông nghiệp như Bộ TT-TT, Bộ Công an, Bộ KH-CN, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương và bà con nông dân.

Cụ thể, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, với Bộ TT-TT là về quan điểm tiếp cận, giải mã những khái niệm chuyên ngành, phân biệt giữa công nghệ thông tin với chuyển đổi số, những giải pháp căn bản và cụ thể cho chuyển đổi số ngành nông nghiệp...

Với Bộ Công an là về tích hợp dữ liệu công dân - cư dân nông thôn, người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, sử dụng hiệu quả dữ liệu dân cư, hay đáp ứng các yêu cầu quản lý chặt chẽ, nghiêm minh trong lĩnh vực thủy sản về tàu cá, thuyền viên...

Với Bộ KH-CN là ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp như công nghệ viễn thám, cổng truy xuất nguồn gốc nông sản trên nền tảng số, nhận diện, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc trong chính sách hợp tác phát triển nghiên cứu, ứng dụng...

chuyen-doi-so-nong-nghiep-04-1715696601.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chuyển đổi số nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp là giới thiệu, trao đổi về các yêu cầu, quy chuẩn mới liên quan đến chuyển đổi số gắn bó mật thiết với chuyển đổi xanh.

Các địa phương, là tổng hợp nhu cầu, thí điểm các cách làm hay, mô hình hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu đa dạng về quy mô, cấp độ và điều kiện thực tế.

Còn với hợp tác xã, bà con nông dân, là các giải pháp đa dạng, đa kênh, đa tương tác về “tri thức hóa nông dân”; là giới thiệu các nền tảng số, các kênh thương mại điện tử, các ứng dụng mạng xã hội, kết nối tiêu thụ nông sản: “đưa chợ về vườn”, đưa thị trường về đến tận ao cá, vườn cây, thửa ruộng.

“Những gì đo đếm được thì sẽ quản lý được, cải tiến được”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ và nói việc số hóa ngành nông nghiệp cũng đang gặp phải tương đối khó khăn, vướng mắc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: "Chuyển đổi số, số hóa trong nông nghiệp giúp giải quyết vấn đề ly nông, ly hương. Khi đó, người dân có thể không làm nông nghiệp nữa, nhưng trên mảnh đất quê hương, họ vẫn có những cách thức mới, công cụ mới để làm giàu, để thoát nghèo.

Nhờ vào sức mạnh của công nghệ, người dân đã không còn cần di chuyển về các thành phố lớn nữa mà vẫn tìm ra con đường riêng cho mình. Phát triển dựa trên công nghệ là hướng phát triển bền vững, phát triển xanh tại Việt Nam"./.

Bình Châu