Hợp tác quốc tế để Việt Nam phát triển xanh, bền vững ngành nông nghiệp

"Việt Nam là quốc gia đang phát triển, cần tư vấn kỹ thuật từ các đối tác có kinh nghiệm đi trước để Việt Nam phát triển xanh, bền vững ngành nông nghiệp cũng như tham gia tích cực vào thị trường lương thực thực phẩm quốc tế..."

Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại buổi làm việc với tham tán nông nghiệp hơn 10 quốc gia, nhóm quốc gia vào chiều 13/5.

hop-tac-nong-nghiep-02-1715612061.jpg
Bộ NN&PTNT làm việc với tham tán nông nghiệp các quốc gia, nhóm quốc gia chiều 13/5.

Hợp tác quốc tế để rút ngắn khoảng cách với nông nghiệp thế giới

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trên con đường phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay còn nhiều thách thức. Do đó, với mong muốn rút ngắn khoảng cách, hiện thực hóa các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với thế giới, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị này.

“Chúng tôi muốn chuẩn bị tốt nhất để nắm bắt những cơ hội này và muốn nắm bắt được cơ hội phải nắm bắt được thông tin, phải vượt qua được khoảng cách”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp bày tỏ mong muốn sẽ trao đổi với đại diện các nước để nâng cao được giao thương, trao đổi khoa học công nghệ, đầu tư... trong lĩnh vực nông nghiệp.

Lắng nghe ý kiến của tham tán các quốc gia, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói các bên đã hiểu nhau hơn về những lợi thế, mong muốn, kỳ vọng của nhau.

“Việt Nam mong muốn làm bạn với tất cả các quốc gia và là một thành viên có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế”, Bộ trưởng khẳng định.

Từ buổi làm việc hôm nay, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều cuộc trao đổi cụ thể nữa để bàn về những cơ chế hợp tác trong thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ hay các sáng kiến mới trong nông nghiệp.

hop-tac-nong-nghiep-01-1715612098.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn hiện thực hóa cơ hội hợp tác nông nghiệp trong thời gian tới.

Theo ông Lê Minh Hoan, trong mỗi ngành hàng đều có quan hệ trao đổi giữa Việt Nam với các nước, không chỉ xuất hay nhập mà là sự đan xen của nhiều mặt hàng, vốn là các thế mạnh của nhau.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng khẳng định, dù là ngành hàng nào, lĩnh vực nào, quốc gia nào thì hiện nay mẫu số chung cho tất cả đó là tăng trưởng xanh, bền vững với những yêu cầu như an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý…

“Mỗi sản phẩm đều phải tạo ra với sự minh bạch và trách nhiệm với môi trường, trách nhiệm với xã hội. Tương lai, người tiêu dùng không còn mua sản phẩm mà họ mua cách làm ra sản phẩm đó”, ông Lê Minh Hoan khẳng định lại.

Chia sẻ với các tham tán nông nghiệp của hơn 10 quốc gia, Bộ trưởng cũng nhắc đến việc phát triển cho nông hộ nhỏ, đặc biệt là ở những nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang cần đến những tư vấn kỹ thuật hay hỗ trợ nguồn lực từ các quốc gia đi trước. Qua đó, hiện thực hóa được những tiềm năng, cơ hội hợp tác nông nghiệp trong thời gian tới. Trước mắt, có thể đánh giá, bổ sung các nội dung, chương trình hợp tác giữa Việt Nam với các nước.

“Sau hội nghị này, Bộ NN&PTNT sẽ tổng lược lại những vấn đề hiện nay, chuẩn bị cho một phiên đối thoại với quý vị với quy mô lớn hơn, để cùng lắng nghe sự chia sẻ của các bên”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Nông nghiệp Việt Nam nỗ lực hướng đến tăng trưởng xanh

Trước đó, tại Hội nghị “Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với một số đối tác”, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, nông nghiệp Việt Nam có vai trò quan trọng và là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP trong nông nghiệp hiện chiếm khoảng 12% tổng GDP của nền kinh tế, với hơn 60% dân số đang sinh sống ở khu vực nông thôn.

Các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có tính đa dạng cao thể hiện trong các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Từng nhóm ngành đang có sự tăng trưởng về số lượng, chất lượng, hướng dần đến tăng trưởng xanh.

Việt Nam là nước xuất khẩu nông lâm thủy sản khá lớn, tốc độ tăng trưởng đều đặn. Với quy mô xuất khẩu tăng gấp đôi sau 10 năm qua, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cho biết thời gian tới Việt Nam sẽ đẩy mạnh xuất khẩu nông sản đến nhiều thị trường trên thế giới.

“Nền kinh tế tiếp tục có những chuyển đổi mạnh mẽ, có tiềm năng tăng trưởng cao nhất theo dự báo của IMF. Trong bối cảnh đó, nền nông nghiệp Việt Nam cần tập trung vào mục tiêu chung của nền kinh tế, hướng tới phát triển xanh, bền vững, đa giá trị,...”, ông Tuấn nói.

hop-tac-nong-nghiep-04-1715612034.jpg
Nền nông nghiệp Việt Nam cần tập trung vào mục tiêu chung của nền kinh tế, hướng tới phát triển xanh, bền vững, đa giá trị. (Ảnh minh họa)

Dưới góc nhìn của các đối tác quốc tế, ông Juliano Vieira - Tùy viên Nông nghiệp Đại sứ quán Brazil tại Việt Nam bày tỏ: “Brazil chia sẻ những khó khăn chung với Việt Nam trong bối cảnh dân số đang gia tăng, thói quen đang thay đổi, nhu cầu tiêu dùng cũng đang thay đổi”.

Do đó Việt Nam và Brazil có thể cùng nhau chia sẻ các giải pháp để cùng vượt qua thách thức. Chúng ta không sao chép các giải pháp mà tìm ra các hướng đi phù hợp với đặc điểm của từng quốc gia, để làm sao giảm phát thải, tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong thời gian tới.

Đại diện Brazil cho rằng, các quốc gia không thể đơn độc trong việc tìm kiếm các giải pháp để phát triển bền vững mà cần đến sự đồng hành, hợp tác với nhau.

Chia sẻ tại sự kiện, Tham tán nông nghiệp Hoa Kỳ Ralph Bean, cho biết, ứng phó với biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ. Biến đổi khí hậu đang diễn ra và Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều nhất trên thế giới.

Về những hợp tác của Việt Nam và Mỹ trong thời gian qua, ông Ralph Bean cho biết, Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam 4,4 triệu USD để triển khai dự án sử dụng phân bón đúng; dự án phối hợp với Việt Nam, thông qua ứng dụng phần mềm để giảm phát thải cho chăn nuôi…

Ngoài ra, liên quan đến thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân, ông Ralph Bean nhấn mạnh việc Việt Nam cần tăng cường, đảm bảo chính sách minh bạch, bởi sẽ có những đầu tư lớn, các đối tác sẽ quan tâm trong các điều kiện cụ thể để cân nhắc đầu tư./.

Bình Châu