Hưng Yên: Ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm

Nhằm bảo an toàn đàn vật nuôi, an toàn thực phẩm, chủ động nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán, tỉnh Hưng Yên đang tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Với phương châm "Phòng dịch như chống dịch", các địa phương trong tỉnh đã tập trung tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm phòng chống các bệnh gồm hai bệnh đỏ ở lợn như tụ huyết trùng, dịch tả; các bệnh tụ huyết trùng trâu, bò; lở mồm long móng cho đàn gia súc; tai xanh cho đàn lợn; cúm gia cầm và dại chó mèo.

Theo Chi cục thú y Hưng Yên, các địa phương đã tiêm phòng đạt 100% kế hoạch, với 45.000 liều vaccine tụ huyết trùng trâu bò, 470 nghìn liều vaccine dịch tả và tụ huyết trùng cho lợn, 300.000 liều vaccine tai xanh lợn, 243.900 liều vaccine lở mồm long móng cho lợn, trâu, bò và dê, 45 nghìn liều vaccine phòng dại cho chó, mèo, 6 triệu liều vaccine cúm gia cầm.

giacam1-1640516679.jpeg
Cán bộ thú y lấy mẫu kiểm soát dịch bệnh. Ảnh minh hoạ

Cùng đó, Chi cục thú ý Hưng Yên còn cung ứng hơn 36 nghìn lít hóa chất khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường; kiểm dịch vận chuyển được hơn 52 nghìn con lợn, hơn 50 nghìn con gia cầm; kiểm soát giết mổ được 60 nghìn con lợn và gia cầm. Ngoài ra, trong năm có tiêm thêm vaccine viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Ngân sách các cấp hỗ trợ tiền vaccine và tiền công tiêm phòng các loại khác, riêng vaccine dại chó, mèo, người chăn nuôi chi trả tiền công tiêm. Tổng kinh phí hỗ trợ tiêm phòng gia súc, gia cầm khoảng trên 30 tỷ đồng.

Tại các huyện Phù Cừ, Ân Thi, Tiên Lữ, Kim Động, các địa phương tập trung hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loại vectơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài vectơ truyền bệnh.

Nhiều địa phương ở các huyện Khoái Châu, Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ, thành phố Hưng Yên đang ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh động vật; thường xuyên lấy mẫu giám sát, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh động vật, đánh giá các cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; áp dụng hình thức trực tuyến. Cách làm này đã mang lại nhiều tiện ích trong bối cảnh các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, khi cán bộ thú y không thể trực tiếp đến cơ sở chăn nuôi để thực hiện.

Với các biện phòng chống dịch đồng bộ và cụ thể, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn Hưng Yên chưa xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm. Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng phòng chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên) cho biết: Dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng thịt gia súc gia cầm tăng cao nên Sở đang tăng cường quản lý hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, gà và các loại động vật khác.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nghiêm cấm việc nhập động vật nhiễm bệnh, không rõ nguồn gốc vào các cơ sở giết mổ; phối hợp với các địa phương tập trung hướng dẫn phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi khép kín; tăng đàn, phát triển đàn ở các cơ sở, hộ chăn nuôi đảm bảo điều kiện theo quy định./.