Rà soát tiêm phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, từ đầu năm đến nay tình hình chăn nuôi trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do một số loại dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi, giá con giống vẫn ở mức cao và ảnh hưởng từ dịch COVID-19 khiến giá sản phẩm và sản lượng tiêu thụ giảm.
images667997-20200428-071954-1634553586.jpg
Tỉnh Thái Nguyên rà soát tiêm phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Cụ thể, dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn 5 huyện, tiêu huỷ 143 con; dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu bò lây lan tại 9/9 huyện, thành phố làm 2.640 con gia súc mắc bệnh, tiêu huỷ 562 con; dịch lở mồm long móng xảy ra tại 3 huyện, tiêu huỷ 28 con; dịch cúm gia cầm xảy ra tại huyện Định Hoá và thị xã Phổ Yên, tiêu huỷ 10.600 con. Hiện vẫn còn một số huyện có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày.
Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên cho biết, nguy cơ các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tái bùng phát vào thời gian tới rất cao do các nguyên nhân như tổng đàn vật nuôi, mật độ chăn nuôi tăng cao và có thể tiếp tục gia tăng vào các tháng cuối năm khi cận Tết Nguyên đán. Mặt khác, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh khử trùng phòng bệnh còn hạn chế; tỷ lệ gia súc, gia cầm được tiêm phòng chưa cao, nhiều đàn vật nuôi chưa hoặc không được tiêm.
Bên cạnh đó, một số dịch bệnh chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng bệnh như dịch tả lợn châu Phi; nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ động vật, các sản phẩm động vật tăng cao trong khi các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số nên việc kiểm tra, giám sát, phòng chống lây lan dịch bệnh còn hạn chế, việc xử lý các ổ dịch chưa triệt để, thời tiết mưa ẩm, rét,… cũng tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lan gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Để hạn chế dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn gia súc, gia cầm gây thiệt hại cho người chăn nuôi, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp phòng dịch. Theo đó, ngành nông nghiệp và các địa phương khẩn trương ra soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, đảm bảo tối thiểu trên 80% tổng đàn, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ lây nhiễm cao như cúm gia cầm, viêm da nổi cục, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi,…từ đầu năm đến nay, lực lượng thú y đã thực hiện tiêm phòng vaccine hai đợt cho đàn gia súc, gia cầm; tích cực hướng dẫn người dân chủ động các biện pháp phòng dịch là chính, tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng chuồng trại chăn nuôi thường xuyên, nhất là khu vực có nguy cơ cao.
Các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cũng đẩy mạnh tuyên truyền với người chăn nuôi về tình hình địch bệnh, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ động vật, không sử dụng sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa kiểm dịch; hướng dẫn người chăn nuôi gia cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, tích trữ thức ăn, phòng chống đói rét cho gia súc vào mùa đông.

Đồng thời, lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật các trường hợp vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo quy định phòng chống dịch bệnh vào địa bàn; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật cho các cán bộ thú y cơ sở và mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh, kiến thức pháp luật thú y cho các hộ dân, người chăn nuôi.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, dự ước đến hết tháng 9/2021, đàn trâu 44.380 con; đàn bò 44.000 con; đàn lợn 655.250 con; đàn gia cầm trên 14,7 triệu con.