Mô hình sinh thái ba tầng tối ưu hóa quy trình tuần hoàn trong nông nghiệp ở Kiên Giang

Cùng với một số mô hình như lúa-tôm, trồng xen canh cây ăn quả, rau màu, nuôi cá nước ngọt..., mô hình kinh tế ba tầng sinh thái dứa, cau, dừa ở Kiên Giang đã cho hiệu quả kinh tế bền vững và được đánh giá có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu.
nong-nghiep-sinh-thai-ba-tang-4-1719283520.jpg
Mô hình sinh thái ba tầng khóm - cau - dừa được người dân trồng nhiều ở huyện Châu Thành. (Ảnh: Kiên Giang)

Vượt hạn mặn nhờ quy trình sản xuất xen canh

Gia đình ông Dư Văn Thái (77 tuổi) là một trong những hộ đầu tiên chuyển đổi từ trồng lúa sang mô hình xen canh dứa, cau, dừa ở xã Bình An, huyện Châu Thành. Trước đây, cũng như hầu hết nông dân địa phương, gia đình sản xuất lúa nhưng thường chịu tác động của hạn mặn, mất mùa.

Chia sẻ về lý do trồng xen canh dứa, cau, dừa trên cùng một diện tích đất, ông Thái cho hay cây dứa thấp nên trồng tầng dưới cùng, tầng giữa là dừa và trên cùng là cây cau.

Tận dụng bóng mát từ cây dừa, cây cau giúp trái dứa ít bị cháy nắng, da đẹp, trái có hình dạng cân đối, không bị nhọn đầu nên bán được giá. Với việc trồng xen canh này, chủ vườn có thể vừa lấy ngắn nuôi dài, thu hoạch nhiều sản phẩm trên cùng diện tích đất.

Từ năm 2020, gia đình ông Thái lắp ráp hệ thống tưới tự động, đồng thời tự ủ phân hữu cơ để bón lót cho cây trồng, tiết kiệm được chi phí và công chăm sóc, từ đó mang về khoản lợi nhuận khá cao.

nong-nghiep-sinh-thai-ba-tang-2-1719283500.jpg
Mô hình khóm - cau - dừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân và không lo hạn mặn. (Ảnh: Nguyên Anh)

Theo ông Dư Văn Thái, trái dừa bán quanh năm còn dứa mỗi năm thu hoạch một lần, bán dứa xong lại vào mùa thu hoạch cau…, thu nhập có được gần như quanh năm. Riêng vụ dứa và cau gần đây, nhờ được giá nên dự tính năm 2024, tổng thu nhập của gia đình ông có thể hơn 1,2 tỷ đồng.

"Gia đình tôi sản xuất trên 3ha, trong đó trồng khoảng 5.000 cây dứa, hơn 500 cây dừa và gần 2.000 gốc cau. Tùy theo giá nông sản trong vườn bán được ở mỗi vụ, thu nhập mang về cao hay thấp. Khoảng 5-6 năm nay, vườn xen canh cho thu nhập dao động từ 900 triệu đến 1,1 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, lợi nhuận mỗi năm trên 600 triệu đồng," ông Thái chia sẻ thêm.

Là hộ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng xen canh dứa, cau, dừa gần đây ở xã Bình An, huyện Châu Thành, ông Vưu Quốc Cường đánh giá qua gần 7 năm áp dụng cho thấy mô hình mang tính bền vững, cho thu nhập cao hơn từ 3-4 lần so với trồng lúa. Gia đình ông Cường sản xuất trên 3,5ha và từ thời điểm cây trồng cho trái (năm 2021) đến nay, tổng thu nhập từ dứa, cau, dừa khoảng 1 tỷ đồng/năm.

"Trước đây khi chuyển đổi mô hình, tôi không dám nghĩ sẽ mang về nguồn thu nhập như hiện tại mà chỉ mong muốn có thể thay thế nghề trồng lúa vì vùng đất này thường bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên mất mùa. Thế nhưng, hiệu quả mang lại cho thấy định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh rất đúng đắn. Thời gian tới, tôi mong có sự liên kết bao tiêu mức giá ổn định để mô hình sinh kế 3 tầng sinh thái dứa, cau, dừa mang lại đời sống khá giả cho người dân," ông Cường chia sẻ.

Theo ông Lâm Minh Công, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, huyện hiện có khoảng 2.000ha trồng dứa. Để dứa vươn xa, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, thời gian qua, huyện xác định rõ vùng quy hoạch trồng dứa, xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ thiết thực, khuyến khích nông dân chuyển đổi từ trồng lúa, vườn tạp sang trồng dứa phù hợp theo quy hoạch; xây dựng mô hình trồng dứa Tắc Cậu (tên gọi của dứa trồng tại xã Bình An, huyện Châu Thành) theo quy trình VietGAP, GlobalGAP.

Dứa Tắc Cậu khác dứa ở Kiên Giang, Hậu Giang, Long An một phần là nhờ người nông dân chịu khó học hỏi các kỹ thuật mới để chăm sóc cho vườn dứa, giúp tăng năng suất và chất lượng. Bên cạnh đó, dứa Tắc Cậu được trồng trên vùng đất được bồi đắp phù sa từ sông Cái Bé, Cái Lớn có hàm lượng kali tự nhiên tạo cho trái dứa có độ ngọt thanh.

Mô hình kinh tế sinh thái ba tầng cho thấy hiệu quả bền vững

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã giúp cho người dân thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Đối với công tác thủy lợi đã chuyển từ chống đỡ sang chủ động kiểm soát.

Từ khi có cống Cái Lớn - Cái Bé kiểm soát nguồn nước, các hộ dân nơi đây không còn nỗi lo nước mặn làm chết cây. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm giúp giảm chi phí rất nhiều mà hiệu quả lại rất cao.

Việc đưa vào vận hành hệ thống đã góp phần đảm bảo an toàn nguồn nước cho sản xuất, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh, mặt khác kiểm soát mặn xâm nhập và phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, cho biết từ khi triển khai đến nay, qua nhiều lần đánh giá, mô hình trồng xen canh dứa, cau, dừa (còn gọi là mô hình kinh tế sinh thái ba tầng) cho thấy hiệu quả bền vững. Ngành tiếp tục định hướng nhân rộng ở những khu vực có điều kiện tự nhiên phù hợp.

Riêng về cây dứa được hình thành, phát triển gần 1 thế kỷ, tạo thành thương hiệu dứa Tắc Cậu nổi tiếng trong, ngoài nước, toàn tỉnh có hơn 7.000ha, tập trung ở một số huyện Châu Thành, Gò Quao, Giồng Riềng, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Hòn Đất, Kiên Lương.

nong-nghiep-sinh-thai-ba-tang-3-1719283632.jpg
Hệ thống tưới tiết kiệm tự động cộng thêm nguồn nước ngọt đảm bảo giúp nông dân an tâm trồng trọt. (Ảnh: Nguyên Anh)

Thực hiện Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt năm 2022, tỉnh Kiên Giang được chọn là vùng sản xuất trọng điểm hai loại trái cây chủ lực là dứa và chuối.

Để các mô hình sản xuất phát triển bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các đơn vị theo dõi, đánh giá khách quan hiệu quả và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất của người dân.

Các đơn vị chức năng hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng; nạo vét kênh mương, thủy lợi và kiểm soát tốt chất lượng nguồn nước đảm bảo phục vụ sản xuất; theo dõi và dự báo kịp thời tình hình sâu bệnh trên cây trồng để thông báo, hỗ trợ nông dân biện pháp phòng, chống; vận hành hiệu quả hệ thống cống, đập đảm bảo nguồn nước phục vụ việc tưới tiêu...

"Song song với các giải pháp kỹ thuật, chuyên môn, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương mời gọi các doanh nghiệp hợp tác liên kết sản xuất để vừa đẩy mạnh tiêu thụ trong nước vừa có thể xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản xuất của người dân," ông Lê Hữu Toàn nhấn mạnh./.

Bình Nguyên