Nông nghiệp tuần hoàn nói chung và chăn nuôi tuần hoàn nói riêng là hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm; ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, tái sử dụng trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường. Đây là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển chăn nuôi được các cấp, ngành chuyên môn và người dân áp dụng, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh.
Trang trại VAC của gia đình anh Trần Xuân Phòng, xã Quế Tân là một trong những mô hình đang được phát triển theo hướng nông nghiệp tuần hoàn của huyện Quế Võ. Được biết, mô hình có tổng diện tích hơn 12ha với các hoạt động sản xuất nông nghiệp chính như: chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy cầm, thủy sản và trồng cây ăn quả. Từ mô hình mang lại tổng sản lượng nông sản mỗi năm đạt gần 300 tấn, nhưng chi phí thức ăn công nghiệp cho vật nuôi và phân bón hóa học cho cây trồng lại chiếm tỉ lệ không cao.
Chất thải trong chăn nuôi sẽ được tận dụng triệt để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, nuôi bèo cung cấp thức ăn cho cá và cá sẽ quay trở lại làm thức ăn cho chăn nuôi. Qua đó, đảm bảo việc chăn nuôi an toàn, thân thiện với môi trường và sức đề kháng của vật nuôi cũng được nâng cao.
Tại tỉnh Bắc Ninh, những mô hình trên ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tuần hoàn đang gặp một số khó khăn như: Những hướng dẫn về vai trò, lợi ích, bản chất, nội dung, tiêu chí của nông nghiệp tuần hoàn chưa rõ ràng, thậm chí chưa có. Điều này dẫn tới nhận thức của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân còn mơ hồ, chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên, sử dụng thuốc BVTV, phân bón vô cơ nên chưa tạo được động lực áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, bảo vệ và tái tạo môi trường sinh thái trong nông nghiệp, ngành chuyên môn, các cấp Hội Nông dân và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong chăn nuôi; xây dựng và triển khai các dự án, mô hình theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học.
Hoàn thiện và phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, quay vòng tuần hoàn trả lại hữu cơ cho đất, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách của Nhà nước và của tỉnh để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời đề xuất chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả nông hộ và doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải, phụ phẩm nông nghiệp…
Sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn là xu hướng phát triển mới của nông nghiệp hiện đại. Nếu làm tốt, mô hình sẽ khai thác tối đa diện tích và không gian, đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu và phế phẩm để sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi khép kín, vừa giảm được giá thành sản xuất, vừa tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường và bảo vệ tốt hơn môi trường sống.
Đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: "Phát triển kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn hiện nay, cần xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất, trong đó, phân định rõ vai trò từng thành tố, tiến tới chuyên môn hóa, hệ thống hóa, gắn chặt với ứng dụng các tiến bộ khoa học.
Cần có các giải pháp như tăng cường thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời đề xuất các chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả nông hộ và doanh nghiệp tham gia tái chế phụ phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, các trung tâm khuyến nông tỉnh cần tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về kinh tế tuần hoàn cho người sản xuất, các chủ trang trại".