Mặc dù tất cả các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều phải dừng (trong đó có Lễ hội Lam Kinh) để tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả mưa bão. Thế nhưng, vào ngày 22 tháng 8 âm lịch hàng năm, lãnh đạo và Nhân dân trong tỉnh Thanh Hóa đều đến Khu di tích đặc biệt Lam Kinh để dâng lên nén hương thành kính tưởng nhớ anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn.
Dự lễ dâng hương có các ông Lại Thế Nguyên, Phó bí thư thường trực tỉnh Thanh Hóa làm trưởng đoàn, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND, lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
Theo chính sử ghi lại, năm 1407, sau khi cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, nước Đại Việt rơi vào ách đô hộ tàn bạo của nhà Minh. Với tinh thần yêu nước, căm thù giặc, năm 1416, tại Lũng Nhai, Lê Lợi cùng 18 vị tướng tài tâm phúc đã mở Hội thề quyết tâm chống lại giặc Minh, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ cho Nhân dân. Ngày mùng 2 Tết năm Mậu Tuất - 1418, trong không khí thiêng liêng của Tết cổ truyền dân tộc, tại vùng rừng núi Lam Sơn, dưới sự lãnh đạo của Bình Định Vương Lê Lợi, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược bùng nổ.
Trải qua 10 năm "nếm mật nằm gai", với tài nghệ quân sự kiệt suất của Bình Định Vương Lê Lợi và tinh thần anh dũng, đoàn kết một lòng của tướng sĩ, năm 1428 cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, quét sạch giặc phương Bắc ra khỏi bờ cõi nước Nam. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã trở thành mốc son chói lọi và là biểu tượng cho lòng yêu nước, ý chí anh dũng, quật cường của Nhân dân ta trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc.
Sau khi đất nước thái bình, tháng 4 năm Mậu Thìn 1428, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, khôi phục quốc hiệu Đại Việt và lập nên vương triều Hậu Lê kéo dài hơn 360 năm. Sau khi lên ngôi, Vua Lê Thái Tổ đã chọn đất tổ Lam Sơn là nơi thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị vua và hoàng hậu. Kể từ đó, Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh trở thành vùng đất thiêng - nơi mỗi người hướng về cội nguồn với lòng tôn kính, ngưỡng vọng và tri ân các bậc tiền nhân, tiên tổ. Đây cũng chính là cơ sở cho sự ra đời và sức sống trường tồn của lễ hội Lam Kinh trong suốt nhiều thế kỷ qua.
Phát huy hào khí Lam Sơn và truyền thống anh hùng của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá luôn ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, nêu cao tinh thần đoàn kết; tập trung trí tuệ và nguồn lực, phát huy sức mạnh toàn dân, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra; hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, xây dựng Thanh Hoá trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại như mục tiêu Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị (khóa XII)./.