Sáng ngày 6/10, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Sơn đã tổ chức Lễ hội Lam Kinh năm 2023 kỷ niệm 605 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 595 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, 590 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Dự lễ kỷ niệm có bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy. Các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đại diện một số tỉnh, thành bạn; các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân; đại diện dòng họ Lê Việt Nam, dòng họ Lê tỉnh Thanh Hóa cùng Nhân dân các dân tộc trong và ngoài tỉnh.
Trước khi diễn ra chính lễ, đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn, đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Vua Lê Thái Tổ tại Tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi (TP Thanh Hóa).
Lễ hội Lam Kinh năm 2023 được bắt đầu với nghi thức rước kiệu Vua Lê Thái Tổ, kiệu Trung túc Vương Lê Lai từ đền thờ Vua Lê Thái Tổ và Đền thờ Trung túc vương Lê Lai về Sân rồng Chính điện Lam Kinh. Đây được xem là nét đẹp truyền thống về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, những người có công với đất nước được lưu giữ và thể hiện trong lễ hội Lam Kinh từ nhiều năm qua.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, ông Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Lam Kinh năm 2023 đã đọc diễn văn khai mạc Lễ hội, ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc: Năm 1418, từ núi rừng Lam Sơn, Thanh Hóa, Lê Lợi - vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc đã phất cờ khởi nghĩa, hiệu triệu nhân dân đứng lên chống lại ách cai trị của nhà Minh. 605 năm trôi qua, hào khí Lam Sơn vẫn còn đó, như dấu son rực rỡ, minh chứng hùng hồn cho truyền thống yêu nước bất diệt, tinh thần tự lập tự cường của dân tộc Việt Nam.
Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi sinh năm Ất Sửu, 1385, người làng Lam Sơn, phủ Lương Giang, nay thuộc thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ tư chất hơn người. Khi Lê Lợi đến tuổi trưởng thành cũng là lúc đất nước bị phong kiến phương Bắc đặt ách đô hộ.
Với lòng yêu nước và ý chí căm thù giặc, mùa đông năm 1416, khi mới ngoài 30 tuổi, Lê Lợi đã cùng 18 bằng hữu lập ra hội thề Lũng Nhai, gấp rút chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh.
Khi điều kiện đã chín muồi, ngày 7/2/1418 (tức ngày mùng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất), Lê Lợi dấy binh trên đất Lam Sơn, tự xưng là Bình Định Vương, chính thức phát động cuộc chiến chống giặc Minh, truyền hịch đi khắp mọi nơi kêu gọi nhân dân cùng đứng lên chống giặc.
Giai đoạn đầu tiên, từ 1418 đến 1424, nghĩa quân hoạt động ở vùng rừng núi Thanh Hóa. Đây là quãng thời gian khó khăn nhất của cuộc khởi nghĩa. Năm 1424, theo kế của Nguyễn Chích, Lê Lợi quyết định đưa quân vào đồng bằng Nghệ An. Tháng 8 năm 1426, nhận thấy lực lượng đủ mạnh, Bình Định Vương Lê Lợi quyết định Bắc tiến, lần lượt đánh bại các đạo quân hùng mạnh của địch do Vương Thông, Liễu Thăng, Mộc Thạch dẫn đầu. Ngày 10/12/1427, hội thề Đông Quan diễn ra. Đất nước ta sạch bóng quân thù, giang sơn thu về một mối.
Mười năm, từ núi rừng Lam Sơn, cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi lãnh đạo đã chuyển biến thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vĩ đại, đánh bại một trong những lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới, đập tan ách đô hộ 20 năm của phong kiến Trung Hoa, mở ra một thời kỳ huy hoàng cho lịch sử dân tộc Việt Nam.
Sau phần lễ sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh với chủ đề "Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ", tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng và những công lao, sự nghiệp to lớn của người anh hùng áo vải Lê Lợi cùng các tướng sĩ, Nhân dân đã có công đánh đuổi giặc Minh xâm lược, giành độc lập tự chủ và xây dựng nước Đại Việt phát triển thái bình, thịnh trị.
Chương trình được dàn dựng công phu, kết hợp với sân khấu hiện đại, với sự tham gia của nhiều diễn viên, ca sĩ nổi tiếng, đông đảo học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Các nghệ nhân từ các huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân trình diễn trò Xuân Phả, diễn tấu cồng chiêng…góp phần tạo nên không gian lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống xứ Thanh.