Làng hương trăm năm ở Quảng Bình sát tết lại ngát thơm thảo mộc

Làng hương truyền thống ở thôn Quyết Thắng (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) có từ trăm năm nay. Dịp này người làng bận rộn trong mùi hương thơm thảo mộc. Trong làng, hầu như gia đình nào cũng làm hương, vừa là kiếm tiền dịp Tết và cũng là cách để giữ lửa làng nghề.
lang-huong-quang-binh-02-1704875724.jpg
Làng hương ở thôn Quyết Thắng có khoảng 500 hộ dân và hơn 70% số hộ giữ nghề làm hương truyền thống.

Hương làm từ thảo mộc trên rừng

Bước qua cổng làng, mùi hương thơm đã thoang thoảng nhẹ dịu. Từng sân nhà, khoảnh vườn, người dân đem từng que hương vừa mới được làm thủ công ra phơi nắng. Nghề làm hương đã có từ lâu, hầu như gia đình nào có người làm hương tại thôn Quyết Thắng cũng đã là nối đến đời thứ 3.

Quanh năm, người làng vẫn làm nhiều công việc thời vụ khác như nông nghiệp, ngư nghiệp. Nhưng cận tết, họ gác lại tất cả để ở nhà làm hương, giúp họ tăng thu nhập và cũng là cách để giữ lửa làng nghề.

lang-huong-quang-binh-01-1704875709.jpg
Nghề làm hương đã tồn tại hàng trăm tại xã Thanh Trạch.

Bà Phan Thị Cáp (60 tuổi, thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch) đã có hơn 30 năm làm nghề hương, mỗi ngày cố lắc lắc hộp xốp, cho ra 3.000 - 4.000 cây hương. "Khoảng 70% số hộ gia đình trong thôn đều có nghề làm hương. Những ngày bình thường chúng tôi làm những công việc khác như đi bắt ốc, làm ruộng... nhưng cận tết thì ở nhà làm hương, làm đến đầu tháng 12 âm lịch sẽ bắt đầu đi bán", bà Cáp nói.

Để làm ra những cây hương theo cách thủ công, công đoạn cũng rất phức tạp, ngay từ đầu năm người dân đã chuẩn bị. Ra giêng, họ vào rừng tìm lá, rễ của cây hương bài - một loại cây quan trọng trong việc sản xuất hương. Sau đó, họ đi thu mua tre, chẻ nhỏ thành từng đoạn, chuẩn bị sẵn để sử dụng cho cả năm cũng như dịp cận tết của năm sau.

Việc làm hương thủ công đòi hỏi người theo nghề phải có sức khỏe khi phải ngồi từ sáng đến chiều tối để ngâm que tre vào chất kết dính (được nấu từ cây sắn), cho vào hộp xốp và rắc bột nguyên liệu vào rồi lắc đều để bột hương dính vào các cây tre.

"Ở đây chúng tôi sản xuất chủ yếu 2 loại hương, loại dài 40 cm và 70 cm. Các cây hương này được lắc đi lắc lại qua nhiều lần, có loại qua 4 lần nước. Càng nhiều lần nước thì hương lại càng thơm", bà Cáp chia sẻ.

lang-huong-quang-binh-03-1704875793.jpg
Bột hương được làm từ các thảo dược rừng núi.

Trăn trở tìm hướng phát triển nghề truyền thống

Anh Trần Đình Doãn, ở thôn 1 Quyết Thắng, xã Thanh Trạch nối nghề làm hương của thế hệ trước trao truyền. Trong làng, hầu như gia đình nào cũng làm hương, vừa là kiếm tiền dịp Tết và cũng là cách để giữ lửa làng nghề. Anh Doãn cho biết, làng hương Quyết Tiến đã được công nhận là làng nghề truyền thống nhưng vẫn chưa xây dựng được hợp tác xã, do vậy chưa có thương hiệu riêng, đóng gói nhãn mác và chỉ dẫn địa lý. Vì thế, giá thành chưa được cao và sản phẩm chưa được tiêu thụ rộng rãi.

“Ngày thường thì vẫn có công ăn việc làm cả nhưng dịp cận tết thì nhà nhà đều làm hương lấy công làm lãi, làm hương để cuối năm kiếm tiền khoảng 30-40 triệu tiêu tết. Ở đây thì 80% hộ dân trong thôn đều làm hương”, anh Doãn cho hay.

Tỉnh Quảng Bình có 30 làng nghề truyền thống. Cơ chế thị trường hiện đang đặt ra cho các làng nghề truyền thống không ít thách thức. Bàn tay khéo léo của những người thợ cần mẫn, tâm huyết góp phần quan trọng trong nỗ lực "giữ lửa" truyền nghề cho thế hệ mai sau.

lang-huong-quang-binh-04-1704875824.jpg
Quy trình rắc bột hương lên những thanh tre tẩm keo dính làm bằng bột sắn.

Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình cho biết, khó khăn của các làng hiện nay là tìm lao động trẻ tâm huyết, muốn giữ nghề truyền thống để tạo sinh kế, thu nhập. Bên cạnh đó, vấn đề đầu ra của sản phẩm từ càng làng nghề hiện nay rất khó khăn nếu không đổi mới và nâng cao chất lượng.

Sở Công Thương và các địa phương hỗ trợ các làng nghề mở rộng quy mô, tạo điều kiện cho các hộ làm nghề truyền thống đầu tư thiết bị máy móc hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu, quảng bá để sản phẩm làng nghề vươn ra thị trường lớn. Theo ông Phan Hoài Nam, ngành nghề truyền thống đã góp phần không nhỏ trong việc tăng thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn, chính vì vậy, vai trò của những người “giữ lửa” làng nghề hết sức quan trọng.

“Các địa phương hưởng ứng phong trào xây dựng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP thì chính là đang thức tỉnh các nghệ nhân làng nghề quay trở lại với những sản phẩm nghề truyền thống của cha ông, thổi hồn, thổi văn hóa làng quê vào trong những sản phẩm mang thương hiệu mới, mang nhãn mác mới", ông Phan Hoài Nam cho hay.

Những người dân làng hương truyền thống ở thôn Quyết Thắng đang nỗ lực đưa sản phẩm làng nghề vươn xa. Lưu giữ những giá trị truyền thống từ khâu sản xuất tới việc sử dụng nguyên liệu thảo mộc tự nhiên đem tới những sản phẩm độc đáo, an toàn cho người sử dụng. Đây là cách để sản phẩm hương thơm Quyết Thắng tạo được sự tin cậy của khách hàng./.   

Bình Châu