Phát huy giá trị làng nghề từ chuỗi liên kết sản phẩm

Xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề nhằm bảo tồn và phát triển bền vững các làng nghề cổ đang có nguy cơ bị mai một, để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

chuoi-lien-ket-gia-tri-lang-nghe1-1696498372.jpg

Từ chuỗi liên kết sản phẩm các làng nghề đã giúp chiếu cói Nga Sơn vươn ra thị trường thế giới.

Xây dựng chuỗi liên kết giá trị của làng nghề có ý nghĩa quan trọng đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về môi trường, tay nghề của người lao động, thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều làng nghề nguy cơ bị thất truyền

Thanh Hóa là một trong 5 tỉnh có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước, với 36 nghề, 118 làng nghề và hơn 100 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận đạt các tiêu chí theo quy định. Nhiều làng nghề đã khẳng định về chất lượng sản phẩm, nổi tiếng khắp cả nước, thậm chí được xuất khẩu ra nước ngoài. Tổng doanh thu của các làng nghề trong tỉnh lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho khoảng 58.405 lao động.

chuoi-lien-ket-gia-tri-lang-nghe2-1696498656.jpg
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Thiệu Hóa gặp không ít khó khăn về vùng nguyên liệu.

Bên cạnh một số làng nghề như Đồ mộc xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa); đồ đồng xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa); cói mỹ nghệ huyện Nga Sơn... tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, được thị trường ưa chuộng và có thể xuất khẩu đến các thị trường nước ngoài, thì cũng không ít làng nghề đang dần bị mai một, thậm chí đứng trước nguy cơ bị rơi vào quên lãng.

Phần lớn các làng nghề tại Thanh Hóa đang đều mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, việc đầu tư máy móc và cải tiến công nghệ, áp dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế. Ngoài ra, số lượng nghệ nhân và lao động có tay nghề cao trong các làng nghề ngày một ít dẫn đến chất lượng sản phẩm và thẩm mỹ chưa cao, nhiều sản phẩm chưa có thương hiệu, khả năng cạnh tranh thấp, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng hạn chế, tác động không nhỏ đến việc duy trì phát triển các làng nghề.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất không chủ động được nguồn nguyên liệu dẫn đến sản xuất theo mùa vụ, mang tính tạm thời, gián đoạn, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh, thu nhập của cơ sở và người lao động.

Tại làng Hồng Đô, xã Thiệu Đô, thị trấn Thiệu Hóa huyện Thiệu Hóa xưa nay vốn nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu. Sản phẩm của làng có thương hiệu nổi tiếng trong nước và xuất khẩu sang Lào, Trung Quốc. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Hồng Đô không đã dần bị mai một, số khung dệt, thợ dệt theo đó cũng giảm dần. Hiện tại, làng nghề nhiễu Hồng Đô chỉ còn 20 hộ sản xuất, với gần 150 lao động. Diện tích trồng dâu giảm đáng kể, hiện nay chỉ còn duy trì khoảng 15ha.

chuoi-lien-ket-gia-tri-lang-nghe-1696498796.jpg
Nghề dệt thổ cẩm tại các xã miền núi đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền.

Nghệ nhân Thiều Thị Yến, cho biết: "Những năm qua, diện tích trồng dâu bên bờ sông bị thu hẹp do ngập úng, lá dâu không đủ để nuôi tằm, gia đình buộc phải nhập kén tằm từ nơi khác với giá khá cao. Việc chuỗi sản xuất từ trồng dâu, nuôi tằm đến dệt nhiễu... bị đứt gãy khiến nhiều hộ dân bỏ nghề".

Không chỉ thiếu nguyên liệu, việc áp dụng khoa học-kỹ thuật vào trong các làng nghề chưa được phổ biến, dẫn đến năng xuất, chất lượng sản phẩm tạo ra không được cao, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trườngthấp. Dẫn đến tình trạng nhiều lao động không còn mặn mà với nghề.

Tại làng nghề cót ép ở xã Thọ Nguyên huyện Thọ Xuân, trước đây nghề này trở thành sinh kế nuôi sống hàng nghìn người dân trong xã. Thế nhưng trước sự thay đổi của nhu cầu thị trường ưa chuộng sản phẩm làm từ nhựa tổng hợp hơn, nên nghề cót ép cũng như nhiều nghề truyền thống khác đang đứng trước nguy thất truyền.

Phát huy bản sắc, nâng cao giá trị sản phẩm

Để nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững các làng nghề, ngày 29/11/2022, UBND tỉnh đã có Quyết định số 4182 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 801 ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. 

Theo đó, các địa phương đã xây dựng kế hoạch và ban hành các chính sách khôi phục, bảo tồn đối với làng nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền. Hỗ trợ phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả và làng nghề mới.

Bên cạnh đó, lựa chọn một số làng nghề có tiềm năng, lợi thế về sản phẩm, cảnh quan, môi trường và sản phẩm mang đặc trưng của địa phương để quảng bá, giới thiệu, trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch gắn với bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Cùng với đó, các địa phương cũng ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cải tạo nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề phục vụ sản xuất. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân đổi mới, thay thế thiết bị máy móc cũ, công nghệ lạc hậu để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh công tác đào tạo, nhân cấy, truyền nghề; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, tổ chức các cuộc thi tay nghề, phong tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi... Quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Ngoài ra, để phát triển bền vững nhiều làng nghề, các địa phương cần tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông, điện, cấp thoát nước, hệ thống nước thải... Khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân đổi mới, thay thế thiết bị máy móc cũ, công nghệ lạc hậu để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh công tác đào tạo, nhân cấy, truyền nghề; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, tổ chức các cuộc thi tay nghề, phong tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi...

Đồng thời, quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Lựa chọn một số làng nghề có tiềm năng, lợi thế về sản phẩm, cảnh quan, môi trường và sản phẩm mang đặc trưng của địa phương để quảng bá, giới thiệu, trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch gắn với bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.

Hiện nay, Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ nhiều nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống trong đào tạo, ứng dụng công nghệ, phối hợp với các cơ quan tuyên truyền đẩy mạnh quảng bá sản phẩm làng nghề, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới.

Hà Khải