Độc đáo "hàng tre" phố cổ thân thiện với môi trường, góp phần làm thức dậy một làng nghề tre tuyền thống

Taboo Bamboo là một xưởng mỹ nghệ tre của anh Võ Tấn Tân (45 tuổi), tọa lạc gần chân cầu Cửa Đại (Hội An). Xưởng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước cùng các bạn trẻ đến học nghề, tham quan, mua sắm nhờ sự độc đáo của các sản phẩm từ hàng tre mỹ nghệ.
doc-dao-hang-tre-pho-co-ttmt-2-1700784529.jpg
Du khách nước ngoài hâm mộ khung xe đạp bằng tre.

Những sản phẩm của anh không chỉ mang tính ứng dụng và thân thiện với môi trường, mà còn góp phần làm thức dậy một làng nghề tre tuyền thống tưởng như đã mai một.

Chúng tôi đã rất ấn tượng khi đến thăm xưởng tre "Taboo Bamboo Workshop" của anh Võ Tấn Tân (trú tại xã Cẩm Thanh, TP. Hội An), vì từ trong nhà đến ngoài vườn, có nhiều tác phẩm thủ công mỹ nghệ bằng tre ghép từ những gốc và thân tre sần sùi tưởng chừng như bỏ đi. Nhưng nhờ tài năng và sự tỉ mẩn của anh, chúng đã trở thành những sản phẩm độc đáo, đa dạng và góp phần tạo thêm sức hút cho các sản phẩm du lịch của phố cổ Hội An. Những tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ gốc, thân tre của hai cha con ông là điều khiến du khách trong và ngoài nước không khỏi ngỡ ngàng, thích thú.

doc-dao-hang-tre-pho-co-ttmt-1-1700784520.jpg
Anh Võ Tấn Tân đang lắp ráp chiếc xe đạp bằng tre.

Vừa lắp ráp chiếc xe đạp bằng tre, anh Tân cho biết, anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề "hàng tre" truyền thống. Bố anh là nghệ nhân Võ Tấn Mười (75 tuổi) có thâm niên hơn 50 năm trong nghề "tranh tre dừa nước". Gần 20 năm qua, lúc "nghề nhàn", hai cha con anh đã mày mò và tỉ mẩn chế tác hàng thủ công mỹ nghệ bằng nguyên liệu là tre để tạo ra những sản phẩm "độc nhất vô nhị". Chẳng hạn như cái điện thoại bàn loại cổ bằng tre mà sử dụng rất tốt, hay cây đàn guitar bề ngoài trang trí bằng tre, cũng không kém phần độc đáo và thanh nhã.

doc-dao-hang-tre-pho-co-ttmt-7-1700785157.jpg
Guitar bằng tre
doc-dao-hang-tre-pho-co-ttmt-4-1700785043.jpg
Bộ sa lông bằng tre.

Anh Tân cho biết rằng sau khi tốt nghiệp ngành điện tử, anh đã xin vào làm việc tại một nhà máy lắp ráp điện tử tại TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, vì đam mê với nghề tre của ông cha, anh đã quyết định trở về quê và làm việc tại một công ty du lịch. Bên cạnh công việc chính, anh đã dành thời gian cùng cha để chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, như bộ "sa lông tre" hoàn toàn bằng tre với các gốc tre và trối tre uốn lượn như "rồng bay phượng múa".

Anh Tân rất đam mê chế tác các sản phẩm trang trí mỹ thuật bằng tre, như vỏ đựng các chai rượu Tây, đèn ngủ và các con tôm đẹp mắt. Anh rất tự hào về chiếc điện thoại bàn kiểu cổ điển được chế tác bằng tre, một sản phẩm do anh thiết kế và vận dụng kiến thức kỹ thuật điện tử để làm ra.

doc-dao-hang-tre-pho-co-ttmt-3-1700784894.jpg
Điện thoại bằng tre để bàn kiểu cổ.
doc-dao-hang-tre-pho-co-ttmt-5-1700784978.jpg
Con tôm bằng tre.

Tiếp tục thành công đó, anh Tân đã sáng chế ra nhiều sản phẩm khác như chiếc ô tô tre chạy bằng điện, ngôi nhà tre, cá chép tre và các vật dụng khác như bàn, ghế, đũa, muỗng, chén, bình hoa, các con vật, đồ chơi xinh xắn, đèn và nhiều sản phẩm khác. Trong đó, sản phẩm đèn ống tre đan trang trí của anh Tân đã được công nhận là sản phẩm Công nghiệp Nông thôn tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam năm 2021. Mỗi chiếc đèn được chế tác công phu và tinh xảo, có giá từ 400.000-700.000 đồng và là mặt hàng bán rất chạy tại xưởng tre của anh.

doc-dao-hang-tre-pho-co-ttmt-6-1700784845.jpg
Đèn ngủ treo tường bằng tre.
doc-dao-hang-tre-pho-co-ttmt-8-1700785205.jpg
doc-dao-hang-tre-pho-co-ttmt-9-1700785226.jpg

Hằng năm, vào dịp Tết cổ truyền dân tộc, sản phẩm cá chép tre của anh Tân có chiều dài "khủng" từ 2-3m rất được khách hàng yêu thích vì độ tinh xảo và mới lạ. Nhiều nhà hàng, khu resort, biệt thự đã đặt mua cá chép tre để trang trí và cầu mong một năm mới nhiều điều may mắn, thuận lợi và tốt đẹp.
Anh Tân cho biết chúng tôi sản xuất những chiếc xe đạp với nhiều kiểu dáng khác nhau, sử dụng khung xe, tay lái, và dè xe được làm bằng thân cây tre. Loại tre này có thể là tre gai hoặc tre tầm vông già khú đế, với đặc tính bền và dẻo, được lựa chọn để thay thế cho bộ khung của xe đạp.

Trước khi sử dụng, thân tre già phải trải qua quá trình ngâm bùn 1 năm và sấy khô, xử lý mối mọt để đạt độ chuẩn không còn co rút. Sau đó, tre được chọn mới được đưa vào công đoạn làm khung xe. Toàn bộ quá trình sản xuất xe đạp tre được thực hiện bằng thủ công, với các đầu nối gia cố được quấn bằng sợi gai thấm keo siêu bền để tạo ra các đoạn khối có thẩm mỹ cao. Sau đó, xe được phun dầu bóng để bảo vệ và làm cho chiếc xe trở nên mới lạ và hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, để hoàn thành một chiếc xe đạp bằng tre không phải là chuyện dễ dàng. Anh Tân cho biết ban đầu "vạn sự khởi đầu nan" do thiếu kinh nghiệm, chiếc xe đạp tre còn rung lắc khi đi trên đường gồ ghề. Sau đó, anh đã phải thử nghiệm gần 20 mẫu liên kết các đầu nối khung xe bằng sợi gai mới được bền, chắc chắn, ổn định và đảm bảo an toàn khi sử dụng trên đường. Thời gian để sản xuất một chiếc xe đạp tre đạt chất lượng tốt phải mất khoảng 2 tuần và giá thành của nó khoảng 20 triệu đồng một chiếc.

Dù yêu cầu tay nghề cao, công việc của xưởng khá bận rộn nhưng luôn thu hút nhiều thanh niên địa phương đến học nghề và làm việc tại xưởng của anh. Ngoài ra, mỗi tháng, khoảng 2.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm và tự tay làm ra các đồ vật lưu niệm từ tre.

Hiện nay, xưởng tre của anh Tân có diện tích 1.000m2 và cung cấp việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức lương dao động từ 8-12 triệu đồng/người/tháng. Những sản phẩm từ tre theo chân du khách đi muôn nơi, trở thành những điểm nhấn văn hoá trong những không gian sang trọng. Gia đình anh Tân có mức thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm từ việc kinh doanh xưởng tre.

Anh Tân cho biết: "Chi phí đầu tư sản xuất các sản phẩm từ tre không nhiều, nhưng đối với nghề này, người thợ phải có tay nghề cao, biết chịu khó, kiên trì và tỉ mỉ. Nghề này đòi hỏi sống hết mình với niềm đam mê và không ngừng đổi mới, phát triển".

Trước khi ra về, chúng tôi rất khâm phục, ngưỡng mộ anh Tân và đội ngũ của anh đã xây dựng được cơ ngơi vững chãi ven lũy tre làng, góp phần "tái sinh" một làng nghề tre tuyền thống tưởng chừng đã mai một và để nhiều bạn bè quốc tế biết đến cây tre, loài cây được ví như linh hồn của làng quê Việt Nam, rất thân thiết trong đời sống của người Việt Nam. Cây tre còn tạo nên những lũy, thành, giúp cha ông ta bảo vệ làng quê trước thử thách của thiên nhiên và bảo vệ đất nước khỏi giặc ngoại xâm…

Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, ông Nguyễn Văn Lanh, đã bày tỏ sự đánh giá cao đối với tay nghề của anh Võ Tấn Tân tại xưởng tre, với nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc truyền đạt kỹ năng và đam mê sáng tạo từ nghệ nhân đến thế hệ trẻ. Ông Lanh thừa nhận rằng mô hình này không chỉ tạo ra cơ hội và động lực cho những tài năng trẻ mà còn góp phần duy trì và phát triển di sản văn hóa độc đáo của địa phương thông qua việc tạo môi trường thích hợp cho sự phát triển của ngành thủ công mỹ nghệ chế tác tre.

Ông đánh giá cao các hoạt động như tổ chức cuộc thi, hội thảo và tư vấn kinh doanh, xem đó là những bước quan trọng để khuyến khích sự nghiệp và sáng tạo của các nghệ nhân, trong đó anh Võ Tấn Tân là một minh chứng rực rỡ. Ngoài ra, ông Lanh cũng nhấn mạnh mục tiêu của lãnh đạo địa phương trong việc mở rộng thị trường quốc tế thông qua phát triển du lịch địa phương, nhằm nâng cao giá trị và cơ hội kinh doanh cho ngành chế tác tre trong cộng đồng./.

Tiên Sa