Hợp tác, tìm kiếm vùng nguyên liệu cho sản phẩm làng nghề

Để hỗ trợ các làng nghề phát triển bền vững, thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh hợp tác liên kết các địa phương, các nước bạn nhằm tạo vùng nguyên liệu, đồng thời xây dựng được chuỗi các sản phẩm du lịch làng nghề...
8ce83dc5ce7e1e20476f-16896552612711500599208-1689729737.jpg
Nguyên liệu gỗ là nhóm phải nhập khẩu nhiều nhất do các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đang thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu trong nước. Ảnh: VGP/Bích Phương

Nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm

Là một trong những địa phương có số lượng làng nghề, làng có nghề lớn nhất cả nước, Hà Nội luôn được đánh giá là cái nôi sản xuất ra những sản phẩm làng nghề truyền thông đạt chất lượng cao và được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa thích khi liên tục có những sản phẩm đứng tốp đầu cả nước về chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Một trong những thế mạnh của các làng nghề, làng có nghề của Hà Nội là các làng nghề được phân bố rộng khắp Thành phố, từ các quận, huyện, thị xã, đến các thôn, các phường… Đây chính là điều kiện để Hà Nội phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương; đặc biệt là những người dân, nghệ nhân ở các làng nghề.

Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển các làng nghề truyền thống, nhưng thực tế cho thấy tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội hiện đang gặp khó khăn trong khâu cung cấp nguyên liệu, nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm làng nghề và trở thành nỗi trăn trở của các nghệ nhân tại làng nghề, làng có nghề trên địa bàn Thủ đô.

Theo thống kê, nhu cầu nguyên liệu để sản xuất gốm sứ hằng năm của 3 làng nghề: Bát Tràng, Giang Cao, Kim Lan khoảng trên 10.000 tấn đất sét trắng. Nguồn nguyên liệu này chủ yếu nhập từ các tỉnh trong nước và nhập khẩu. Đối với nhóm nghề mây tre đan, riêng huyện Chương Mỹ mỗi năm tiêu thụ khoảng 600 tấn mây, 700 tấn song và 500.000 cây tre, nứa, giang…

Riêng nguyên liệu gỗ là nhóm phải nhập khẩu nhiều nhất do các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đang thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu trong nước. Nguồn gỗ nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Malaysia...không ổn định, trong khi nguồn nhập khẩu từ các quốc gia khác có chi phí vận chuyển quá cao làm cho giá thành nguyên liệu tăng, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam…

Xúc tiến tìm vùng nguyên liệu ngoại

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, Sở Công Thương đã tổ chức Đoàn giao dịch xúc tiến thương mại, làng nghề tại Lào năm 2023 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của Hà Nội kết nối giao thương với các doanh nghiệp Lào, các địa phương của Lào.

Trong khuôn khổ chuyến đi, hai bên khảo sát thực tế tại các vùng trồng nguyên liệu nông sản như chuối, đót, gừng, ớt, song, mây… và một số cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp tại Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Luang Prabang và khu vực lân cận.

Tại đây, Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH Buakhame của Lào trong chuyển giao giống, kỹ thuật và phát triển vùng nguyên liệu gừng, xuất khẩu sản phẩm từ gừng, tiêu, ớt, cà phê từ Lào sang Việt Nam.

Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất nội thất Tre Việt ký hợp tác thu mua sản phẩm, nguyên liệu làm bằng tre từ Lào sang Việt Nam phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm (hộp đựng giấy ăn, khay trà, thớt…) với Công ty Vientiane Bamboo Industrial Factory Sole của Lào…

Doanh nghiệp hai bên đã cùng chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội hợp tác, nhất là trong chuyển giao giống, kỹ thuật và phát triển vùng nguyên liệu, thu mua nguyên liệu, bao tiêu đầu ra sản phẩm, mở ra cơ hội, hợp tác kinh doanh cho doanh nghiệp của hai bên.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đang rất thiếu do các vùng nguyên liệu bị thu hẹp, trong khi Lào lại có nhiều tiềm năng trong phát triển vùng nguyên liệu do có quỹ đất lớn, tập trung, rất thuận tiện cho việc sản xuất nông nghiệp, công nghiệp quy mô lớn. Ngoài ra, Lào cũng có những nguồn nguyên liệu về thạch cao và cao lanh phù hợp để sản xuất hàng gốm sứ, mỹ nghệ, gia dụng…

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung (làng nghề mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ) mong muốn Nhà nước có các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác vùng nguyên liệu đầu tư cơ sở chế biến, triển khai xúc tiến thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu, các cấp, ngành chức năng cần hoàn thiện các chính sách về đất đai, vùng nguyên liệu như khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trong việc cho thuê đất, tích tụ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ sản xuất; định hướng phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề…

Đối với thị trường ngoại, Sở đang tích cực xúc tiến, hợp với nước bạn Lào, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Hà Nội tìm kiếm nguồn nguyên liệu về song, mây để phục vụ sản xuất mây tre đan; các doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm vùng trồng gừng, ớt, tiêu và phong gió... hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu liên kết, hỗ trợ kỹ thuật khai thác, chế biến, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp của Lào để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu…