Quảng cáo #128

Kon Tum: Phát triển dược liệu giúp người dân vùng cao Tu Mơ Rông thoát nghèo

Huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) có điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp với nhiều loại dược liệu quý, trong đó có một số dược liệu mang tính đặc hữu vùng có khả năng phát triển và mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân.

Vài năm trở lại đây, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã dần phát huy được thế mạnh về điều kiện tự nhiên trong phát triển cây dược liệu, đặc biệt là mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng vùng trồng sâm Ngọc Linh, giúp phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống cho người dân trên địa bàn.

Toàn huyện vùng cao Tu Mơ Rông có khoảng 30.000 người, có tới trên 95% là người dân tộc thiểu số Xơ Đăng. Những năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, cụ thể là Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Kon Tum đã ban hành hiều chính sách khuyến khích bà con dân tộc thiểu số phát triển mạnh cây dược liệu, đặc biệt là cây “quốc bảo” sâm Ngọc Linh. 

sam-ngoc-linh-1703151513.jpg
Ảnh minh họa.

Theo thống kê, đến nay, huyện Tu Mơ Rông đã phát triển được khoảng 15 loại cây dược liệu với diện tích khoảng 2.937ha, trong đó, sâm Ngọc Linh có 1.715ha và các cây dược liệu khác 1.222ha. Nhờ việc xác định dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực, đến nay đã có gần 2.000 hộ trên địa bàn huyện thoát nghèo, trong đó phần lớn nhờ vào trồng, mua, bán dược liệu.

Người dân xã Tê Xăng cũng xác định dược liệu là cây mũi nhọn để phát triển triển kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo nhanh. Tính đến tháng 8/2023, diện tích cây dược liệu trên địa bàn xã là 215,2ha. Rừng ở Tê Xăng được giao khoán cho thôn quản lý, người dân vừa trồng sâm vừa bảo vệ rừng, nên không còn tình trạng phá rừng mà chỉ canh tác dưới tán rừng.

Người dân cho biết, 1kg sâm dây có giá 100 -150 nghìn đồng. Ngoài ra, người dân còn khai thác bán cây sâm giống với giá 300 nghìn/cây, 100 nghìn/1 hạt giống.

Tại xã Ngọc Lây, hiện cũng đã có 267/514 hộ trồng sâm Ngọc Linh, cùng với phát triển sâm Ngọc Linh, ở xã Ngọc Lây có khoảng 250 hộ tham gia trồng cây dược liệu khác.

Theo báo cáo của UBND xã Ngọc Lây, nhờ thu nhập từ cây dược liệu và sâm Ngọc Linh nên năm 2022, trên địa bàn xã giảm được 63 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 13,54%. Qua đây có thể thấy, các mô hình trồng và phát triển dược liệu đã mang lại giá trị cao hơn so với các loại cây truyền thống như cây mì, lúa nước.

Mới đây, UBND huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức cấp phát 12.000 cây giống sâm Ngọc Linh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng người dân trên địa bàn.  

Hiện nay, tỉnh Kon Tum có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, 30/853 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 27 loài cây thuốc được trồng, sử dụng nhiều trong các cơ sở khám, chữa bệnh, có giá trị chữa bệnh và giá trị kinh tế cao như: Sâm Ngọc Linh, Lan Kim tuyến, Hồng Đẳng Sâm... Nhu cầu sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc thực vật làm thuốc ngày càng nhiều.

Để phát triển nguồn dược liệu quý, tỉnh Kon Tum đã xây dựng "Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030". Bước đầu, tỉnh đã xây dựng được vùng dược liệu tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông. Nhiều sản phẩm từ dược liệu của Kon Tum đã được thị trường đón nhận. Việc phát triển dược liệu đã góp phần giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bảo Minh (t/h)