Chi gần 6.400 nghìn tỷ đồng cho tiêu dùng năm 2024, khẳng định sức mua của người dân đang tăng mạnh

Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023 và nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng là 5,9%. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy sức mua của người dân đang tăng lên, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của thị trường nội địa trong sự phát triển kinh tế.
chi-so-tieu-dung-1-1736152620.jpg
Tính chung cả năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023. (Ảnh minh họa)

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 29,4%

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành dịch vụ, đặc biệt là hoạt động bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Cụ thể, trong quý 4, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 12, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành đạt gần 571 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023 và nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng là 5,9%. Như vậy, thị trường nội địa đã hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

So với năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch COVID-19), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 29,4%, điều này minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường sau đại dịch.

Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 4.921 nghìn tỷ đồng, chiếm 77% tổng mức và tăng 8% so với năm 2023, trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng cao nhất gần 11%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 734 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% tổng mức và tăng 13% so với năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 62,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% tổng mức và tăng 16% so với năm trước, cho thấy những nỗ lực xúc tiến du lịch đã mang lại hiệu quả tích cực. Ngoài ra, doanh thu dịch vụ khác đạt 673 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 10% tổng mức và tăng 9% so với năm trước.

chi-so-tieu-dung-2-1736152607.jpg
Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 4.921 nghìn tỷ đồng, chiếm 77% tổng mức và tăng 8% so với năm 2023, trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng cao nhất gần 11%.(Ảnh minh họa)

Sự khác biệt giữa các địa phương, doanh thu bán lẻ hàng hóa tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng có mức tăng cao so với năm trước. Bên cạnh đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tại Khánh Hòa, Cần Thơ, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương ghi nhận mức tăng tích cực.

Về doanh thu du lịch lữ hành, các tỉnh Cần Thơ, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Dương, Hà Nội có mức tăng trưởng ấn tượng. Và, doanh thu dịch vụ khác thuộc về các tỉnh Điện Biên, Đồng Nai, Nam Định, Cần Thơ, Hải Dương là những địa phương có mức tăng trưởng cao.

Những số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê cho thấy thị trường bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã có một năm tăng trưởng ấn tượng, đạt mục tiêu đề ra. Sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường nội địa không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao đời sống của người dân và tạo đà tăng trưởng cho năm tiếp theo.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,63% đạt mục tiêu Quốc hội đề ra

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính, có 5 nhóm tăng giá và 1 nhóm giảm giá. Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,03% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,35 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,2% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,98 điểm phần trăm, chủ yếu do chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 7,68% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm; chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,6% do nhu cầu thuê nhà tăng, tác động làm CPI tăng 0,48 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chỉ số giá nước sinh hoạt năm 2024 tăng 8,33% so với năm trước.

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,16%, tác động làm CPI chung tăng 0,39 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT từ ngày 17/11/2023 và Thông tư số 21/2024/TT-BYT từ ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế.

chi-so-tieu-dung-4-1736152706.jpg
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. (Ảnh minh họa)

Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 5,37% do trong năm học 2023-2024 và 2024-2025 một số địa phương đã tăng mức học phí, tác động làm CPI chung tăng 0,33 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,76%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm. Riêng chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông năm 2024 giảm 1,02% so với năm 2023 do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.

Bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,63%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản./.

Bình Nguyên