Phát triển bền vững từ kết hợp "lúa thơm - tôm sạch"
Sản xuất tôm - lúa được đánh giá là mô hình phát triển bền vững, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Vì thế, các địa phương trong tỉnh không chỉ mở rộng diện tích sản xuất, mà còn chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang thực hiện mô hình này.
Là một trong những vùng trồng lúa kết hợp nuôi tôm hiệu quả của tỉnh, thời điểm này người dân ở thị xã Giá Rai chuẩn bị thu hoạch lúa. Theo ông Đoàn Thanh Tùng ở xã Phong Thạnh A cho biết, từ lúc thực hiện mô hình lúa - tôm trên 3 hecta đất, thu nhập gia đình ông tăng lên đáng kể. Riêng vụ lúa này sẽ thu hoạch vào những ngày cận Tết.
“Nó lợi nhuận hơn trước nhiều lắm mà hơn nữa mình trồng được cây lúa, mình cải tạo mặt đất, làm vụ tôm rất hiệu quả, rất thành công. Nếu mà trừ chi phí thì lời một công khoảng 5 triệu đồng. Còn một vụ tôm nữa thì mỗi năm tôi lời cỡ 300 - 400 triệu đồng trở lên. Năm nào cũng có, hiệu quả lắm”, ông Đoàn Thanh Tùng phấn khởi.
Thị xã Giá Rai có hơn 30.000 hecta đất sản xuất thuộc 2 vùng sinh thái mặn, ngọt. Vùng mặn tương đương khoảng 23.000 hecta trước đây chuyên nuôi tôm. Tuy nhiên, việc nuôi chuyên tôm hiệu quả ngày càng giảm đi. Chính vì vậy, từ năm 2020, Giá Rai phát động nông dân thực hiện mô hình lúa - tôm, tức là sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm xen canh, có nơi bà con kết hợp nuôi thêm tôm càng xanh, nuôi cá kèo trong thời điểm trồng lúa.
Ông Huỳnh Thanh Toàn, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Giá Rai cho biết, là địa phương nằm ở cuối nguồn nước ngọt, bao đời nay nông dân nơi đây chỉ chuyên nuôi tôm nên khi vận động chuyển đổi thực hiện mô hình mới, ở buổi đầu phần lớn bà con đều đắn đo, do dự. Tuy nhiên, sau đó thấy mô hình lúa - tôm mang lại hiệu quả khả quan nên nhiều nông dân đã bắt tay thực hiện. Từ diện tích gần 3.000 hecta ở những năm đầu, đến năm ngoái, diện tích thực hiện mô hình lúa tôm ở thị xã Giá Rai đã tăng lên hơn gấp đôi và trong năm nay đã tăng lên hơn 7.000 hecta.
Không chỉ TX. Giá Rai mà các huyện Phước Long, Hồng Dân cũng đã thực hiện và tiếp tục mở rộng mô hình lúa - tôm. Vì đây là mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, đảm bảo sinh kế cho người dân nông thôn. Điều đáng nói, hiện nay các xã vùng Nam Quốc lộ 1A cũng đang từng bước chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang mô hình này.
Đầu tư hạ tầng thủy lợi chủ động trong sản xuất
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả từ mô hình lúa - tôm, thời gian gần đây, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư kinh phí xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, ô đê bao khép kín tại nhiều vùng để chủ động điều tiết nước, ngăn mặn, trữ ngọt.
Tại xã Phong Thạnh A, thị xã Gía Rai, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư hơn 114 tỷ đồng xây dựng ô đê bao với 21 cống, khép kín 3.000 hecta đất sản xuất đang thực hiện mô hình lúa - tôm. Nông dân Nguyễn Anh Thư, ở xã Phong Thạnh A tâm sự, những năm qua thực hiện mô hình lúa - tôm đã hiệu quả, giờ có hệ thống đê bao nên thực hiện mô hình này càng hiệu quả hơn.
Theo ông Phạm Văn Hết, Bí thư Đảng ủy xã Phong Thạnh A, từ khi thực hiện mô hình lúa – tôm, đời sống người dân trong xã phát triển rõ rệt. Trước đây, toàn xã có hơn 400 hộ nghèo và cận nghèo, giờ chỉ còn 47 hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng/năm. Xã đang phấn đấu trong năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 74 triệu đồng trở lên. Điều phấn khởi nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, qua lấy phiếu sự hài lòng của nhân dân thì có đến 98% người dân trong xã hài lòng rất cao về công tác chuyển dịch kinh tế, về cái cách điều hành, quản lý của Đảng bộ, chính quyền xã trong thời gian qua.
Bạc Liêu hiện đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình lúa - tôm. Theo đó, định hướng đến năm 2025, Bạc Liêu mở rộng diện tích lên hơn 43.000 hecta. Điều đặc biệt của mô hình lúa - tôm là không dùng thuốc thú y thủy sản trị bệnh cho tôm mà sử dụng biện pháp sinh học; cây lúa cũng không sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì vậy, với mô hình canh tác này, Bạc Liêu cũng đang hướng đến mục tiêu lúa thơm - tôm sạch, lúa – tôm hữu cơ.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Trường phòng kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, cho biết trên vùng đất nhiễm mặn của tỉnh Bạc Liêu, dự án “Thúc đẩy chuỗi giá trị tôm - lúa theo hướng chứng nhận quốc tế” do Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) chủ trì thực hiện đang được triển khai với tổng diện tích 190 ha, gồm 50 ha tôm - rừng và 150 ha tôm - lúa.
“Tôm luôn cần môi trường có độ mặn ổn định thì mới sống được, nuôi tôm thẻ và tôm sú cần độ mặn tốt nhất từ 10 - 25‰. Nếu độ mặn xuống dưới 10‰ là tôm chết. Có những năm, vào tháng 4, một trận mưa rào đổ xuống, nước trong ruộng đang mặn bỗng bị ngọt hóa đột ngột, khiến xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt. Do vậy, mấu chốt để nuôi tôm quảng canh thành công trên ruộng lúa, đó là phải tạo ra được con tôm giống thích ứng với biến đổi khí hậu, sống và sinh trưởng được trong môi trường nước có độ mặn biến động”, ông Hưng nói.
Theo các nhà khoa học và qua thực tế sản xuất thời gian qua cho thấy, việc nuôi tôm kết hợp với trồng lúa hoàn toàn không xảy ra xung đột trong quá trình sản xuất. Đây là mô hình thông minh, cân bằng sinh thái đồng ruộng, bảo vệ môi trường. Sản xuất lúa tôm được đánh giá là mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, ít rủi ro so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác và được xem như mô hình thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả hiện nay./.