Huyện Tân Lạc (Hoà Bình) định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

Tân Lạc là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Hòa Bình, nơi có những đầu mối giao thông chủ yếu, trong đó có quốc lộ 6 nối các tỉnh vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội. Huyện có tổng diện tích đất tự nhiên trên 53 nghìn ha, trong đó: đất nông nghiệp trên 46,9 nghìn ha, đất phi nông nghiệp trên 5,5 nghìn ha, đất chưa sử dụng trên 639 ha.
h-1680160678.jpg
Từ Năm 2016, sản phẩm rau su su đã được công nhận nhãn hiệu tập thể “Rau su su Quyết Chiến” là cơ sở và động lực để người dân tiếp tục mở rộng diện tích

Địa hình huyện Tân Lạc phong phú, đa dạng, phức tạp. Độ cao trung bình so với mực nước biển từ 200 - 300m, nơi cao nhất là 1.200m, địa hình thấp dần về phía Đông Nam và được chia thành 3 vùng: Vùng cao gồm 3 xã: Quyết Chiến, Vân Sơn, Ngổ Luông, độ cao trung bình 600 - 800m, địa hình chia cắt bởi các dãy núi đá vôi có độ dốc lớn xen giữa các thung lũng hẹp nằm rải rác theo các dòng suối nhỏ; Vùng thượng gồm 3 xã Suối Hoa, Phú Vinh, Phú Cường, độ cao trung bình từ 200 - 200m, địa hình chia cắt bởi các núi đá, đồi dốc và khe suối, xen giữa các đồi thoải là các bãi bằng; Vùng thấp gồm 9 xã còn lại và thị trấn Mãn Đức nằm dọc theo đường 12B và 12C, với 2 thung lũng hẹp chạy dọc theo 2 hệ thống suối chính tạo thành 2 vùng lúa chủ yếu của huyện.

Bên cạnh đó huyện giàu tiềm năng về du lịch, có lòng hồ thủy điện Hòa Bình cùng với những đặc thù về vị trí địa lý, địa hình, cảnh quan sinh thái và các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống…là những điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển du lịch và dịch vụ. Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi phát triển nhiều loại vật nuôi, cây trồng. Huyện có tiềm năng phát triển nông, lâm nghiệp, đặc biệt là cây lúa, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc. Huyện có diện tích đất lâm nghiệp lớn, thuận lợi phát triển kinh tế rừng, vườn rừng.

 Huyện có quỹ đất nông, lâm nghiệp lớn là nguồn tài nguyên quan trọng, nếu có các giải pháp hợp lý chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sẽ tạo ra giá trị sản xuất lớn và tạo điều kiện để chuyển đổi một phần diện tích cho các mục đích phi nông nghiệp, đặc biệt là để phát triển các cụm công nghiệp, du lịch sinh thái…Điều kiện tự nhiên đã tạo ra các tiểu vùng có đặc điểm khác nhau, mỗi tiểu vùng có lợi thế riêng, thích hợp các đối tượng sản xuất đặc trưng, cho phép phát triển nền sản xuất đa dạng, phong phú, đồng thời có thể khai thác cho các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch.

Hiện tại, huyện có diện tích trồng lúa khoảng 4.800ha, bên cạnh đó phát triển một số loại cây trồng chủ lực khác như: cây mía, cây rau, cây ăn quả có múi. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 500 ha diện tích trồng bưởi được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ hoặc chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, kết hợp với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; hình thành vùng trồng bưởi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, có năng suất cao, chất lượng tốt; phát triển cây ăn quả đặc sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp, tăng thu nhập cho nông dân, làm giảm khoảng cách giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn; tiến tới khẳng định thương hiệu bưởi Tân Lạc trên thị trường trong và ngoài nước.

Cây bưởi đỏ đã có công nhận nhãn hiệu tập thể “Bưởi đỏ Tân Lạc” năm 2017 và cây quýt được công nhận nhãn hiệu tập thể “Quýt Nam Sơn” năm 2028. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 240,6ha bưởi và quýt được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; có 01 cơ sở sơ chế, đóng gói của HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc; 03 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn ba sao. Năm 2022, cơ quan chức năng đã cấp mã số vùng trồng cho 06 vùng trồng bưởi của huyện với diện tích 153 ha; sản phẩm Bưởi đỏ Tân Lạc đã xuất khẩu được 5.400 quả sang thị trường Anh Quốc.

Hiện nay, trên địa bàn huyện diện tích cây rau được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 63 ha. Trong đó có sản phẩm rau su su đã được công nhận nhãn hiệu tập thể “Rau su su Quyết Chiến” năm 2016, sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn ba sao năm 2020. Ngoài rau su su, trên địa bàn huyện còn phát triển một số loại rau của quả khác như: bắp cải, củ cải, bí xanh….

Căn cứ Nghị quyết số 13, ngày 17/10/2022 của BTV Tỉnh ủy Hòa Bình về “Xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, hiện nay UBND huyện đang phối hợp với các sở, ngành của tỉnh xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai đề án. Trong đó tập trung phát triển 03 sản phẩm chủ đạo, có nhiều lợi thế: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Mường, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với mô hình sản phẩm OCOP, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng mô hình “Mỗi xã một điểm du lịch cộng đồng kiểu mẫu” để tạo động lực, sức lan tỏa, nhân rộng mô hình trên địa bàn các xã vùng cao huyện Tân Lạc. Đồng thời, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch khác, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, căn cứ Quyết định 439, ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, huyện Tân Lạc có xã Suối Hoa nằm trong phân khu 4 của phân khu chức năng là trung tâm dịch vụ du lịch của khu du lịch hồ Hòa Bình, trung tâm văn hóa - lễ hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc miền núi phía Bắc; là trung tâm du lịch tâm linh gắn với đền Thác Bờ. Với lợi thế mặt nước hồ lớn, huyện xác định phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch. Hiện tại người dân xã Suối Hoa đang nuôi trên 580 lồng cá, sản lượng hàng năm ước đạt trên 520 tấn.

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, tạo vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn phát triển các cây trồng chủ lực. Tập trung phân loại, xác định diện tích cây trồng có lợi thế theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển cây trồng hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát triển các vùng sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ tiêu thụ, gắn với chế biến nông sản, tiến tới xuất khẩu. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, nhất là chú trọng đầu tư các nhà máy chế biến gắn với sản xuất để các cây trồng chủ lực phát triển theo hướng bền vững. Phát triển các loại cây, con gắn với phát triển du lịch địa phương và bản sắc riêng  nhằm thu hút khách du lịch./.

Lê Thùy