Hòa Bình xuất khẩu thành công lô mía tươi đầu tiên sang Mỹ

Sau 4 năm đàm phán, lô mía đầu tiên của tỉnh Hòa Bình đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Mỹ theo đường biển với số lượng gần 20 tấn. Điều này đang mở ra triển vọng xuất khẩu đối với mía Hòa Bình sau 2 năm bị gián đoạn bởi dịch COVID-19.

Cụ thể, đơn hàng gồm 17 tấn mía trắng đã qua sơ chế, làm sạch, bỏ hết mắt mía để đảm bảo không có sự du nhập của thực vật lạ vào nước sở tại. Đi cùng lô mía còn có 10 máy ép nước mía, cho thấy sự định hình về cách thức, phân khúc khách hàng tại nơi tiêu thụ.

Dự kiến sau khoảng 35 ngày, mía sẽ cập cảng tại Mỹ. Để chuẩn bị cho xuất khẩu, Hòa Bình đã chuẩn hóa vùng nguyên liệu mía theo quy trình VietGAP và tiến tới cấp mã số vùng trồng dù thị trường chưa có yêu cầu.

Được biết, tỉnh Hòa Bình là vùng đất có nhiều đặc sản; trong đó, có các giống mía ăn tươi, gồm mía tím và mía trắng ép nước. Đây đều là những giống mía lâu đời, có chất lượng tốt, mềm, ngọt, phù hợp ăn tươi và ép nước uống. Cùng với đó là sự phù hợp của đất đai, khí hậu đã giúp cho mía Hòa Bình nổi tiếng khắp các tỉnh, thành từ nhiều năm nay.

Với lô hàng mía tươi đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, ngành Nông nghiệp tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục phát huy những thành công bước đầu, tạo tiền đề để nhiều sản phẩm nông sản khác của tỉnh tiếp tục mở rộng thị trường. Đặc biệt, đưa cây mía Hòa Bình đến với thị trường thế giới; không ngừng mở rộng sản xuất, góp phần vào sư nghiệp phát triển ngành công nghiệp mía đường của tỉnh.

xuat-khau-mia-1679290951.jpg
Công tác chuyển lô mía lên xe xuất khẩu (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình Nguyễn Huy Nhuận cho biết, cây mía là loại cây có tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Bên cạnh đó, cây mía còn là loại cây công nghiệp rất phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của tỉnh Hòa Bình, có thể phát triển mở rộng kinh doanh để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình, từ năm 2019, cây mía Hòa Bình không chỉ có mặt ở nhiều vùng miền trong cả nước mà đã dần tìm đường xuất khẩu. Bắt đầu chỉ từ 120 kg mía tím làm hàng mẫu sang thị trường Nhật Bản, sản lượng xuất khẩu đã tăng nhanh qua các năm, năm 2020 đạt 5,7 tấn; năm 2021 đạt 74 tấn; năm 2022 đạt 300 tấn.

Từ thị trường đầu tiên là Nhật Bản, sản phẩm này đã mở rộng sang thị trường khác như: Hàn Quốc, Anh, EU. Việc khách hàng quay trở lại và lượng đặt hàng tăng nhanh qua các năm là minh chứng rõ nét về chất lượng sản phẩm, về kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và kỹ thuật sơ chế, đóng gói, bảo quản đã đứng được những thị trường khó tính, nhất là trong bối cảnh mỗi thị trường yêu cầu một quy cách sơ chế, đóng gói, bao bì nhãn mác riêng./.

Thi Nguyên (t/h)