Huyện Gia Bình (Bắc Ninh) chuyển đổi được hơn 15ha cơ cấu cây trồng trên đất lúa

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa góp phần đa dạng hóa sản phẩm cây trồng, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tăng hiệu quả sản xuất. Nhờ vậy, các địa phương trên địa bàn huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh đã gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
thu-hoach-cu-cai-duong-1712893379.jpg
Cánh đồng trồng củ cải đường tại xã Cao Đức mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Ảnh minh họa

Theo đó, trong quý I/2024, toàn huyện Gia Bình có 6 xã thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa gồm các xã: Đại Lai, Giang Sơn, Vạn Ninh, Nhân Thắng, Quỳnh Phú và thị trấn Gia Bình với tổng diện tích chuyển đổi là hơn 15ha (đạt 34,4% kế hoạch năm 2024), nâng tổng số diện tích được chuyển đổi từ năm 2020 đến nay lên 264ha. Trong đó, chuyển đổi gần 132ha sang trồng cây hàng năm, hơn 101ha sang trồng cây lâu năm và 31,54 ha sang nuôi trồng thủy sản. Qua chuyển đổi hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Trồng rau sạch ở Ngăm Mạc (xã Lãng Ngâm); trồng bưởi da xanh ở Xuân Lai, Định Mỗ, Phúc Lai (xã Xuân Lai)...

Mục tiêu đến hết năm 2025, toàn huyện Gia Bình phấn đấu chuyển đổi thêm 131 ha đất lúa sang trồng các loại cây khác và nuôi trồng thuỷ sản. Tính riêng trong năm 2024 phấn đấu chuyển đổi 43,7ha. Đồng thời, xây dựng mỗi xã từ 1-2 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm.

chuyen-doi-co-cau-cay-trong-1712893379.png
Phát triển công nghiệp công nghệ cao chính là bước làm giàu đột phá và bền vững, mang đến cuộc sống ấm no cho người dân Gia Bình. Ảnh minh họa

Để thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, huyện Gia Bình tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ gia đình riêng lẻ sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất, hướng dẫn thực hiện chủ trương chuyển đổi những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng các cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Cùng với đó, các ngành chuyên môn của huyện Gia Bình tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ kịp thời, tạo động lực thôi thúc người dân đầu tư trí tuệ và công sức phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh, quy mô hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, có thể khẳng định rằng, với ý chí, nghị lực của người nông dân cùng với những quyết sách mang tính đột phá của huyện Gia Bình. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đang đi đúng hướng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác tận dụng tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trên mảnh đất Gia Bình, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nơi đây./.

Trần Quỳnh