Bắc Ninh tăng cường xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2024.
cong-trinh-thuy-loi-1712635989.png
Trạm bơm Vạn Ninh đảm bảo cấp nước cho hơn 1.600 ha diện tích đất nông nghiệp các xã thuộc huyện Gia Bình. Ảnh minh họa

Hệ thống công trình thủy lợi có vai trò rất quan trọng trong tưới tiêu, phòng, chống hạn hán, úng ngập, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhiều công trình thủy lợi tại tỉnh Bắc Ninh bị xâm lấn nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Do đó, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm về bảo vệ công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi đặc biệt trong mùa mưa bão 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở NN&PTNT tổ chức thống kê, phân loại các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Trong đó, làm rõ tính chất, mức độ, nguyên nhân, hướng xử lý và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý, nhất là các vi phạm liên quan đến xây dựng nhà ở, nhà tạm, nhà xưởng, kho tàng, lều lán, xây tường bao... thuộc phạm vi công trình thủy lợi,

Tiếp đó, xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới các công trình thủy lợi (ưu tiên thực hiện đối với các công trình có nguy cơ xảy ra vi phạm lấn, chiếm phạm vi bảo vệ); chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi có công trình trong việc công bố công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình và cắm mốc giới trên thực địa, bàn giao mốc giới cho UBND cấp xã nơi có công trình để quản lý, khai thác theo quy định.

tram-bom-1712635989.jpg
Khẩn trương hoàn thành dự án công trình thủy lợi còn chậm tiến độ. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp, tổ chức thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung; nước thải từ các làng nghề, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo quy định. Rà soát, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của công trình thủy lợi, trường hợp công trình thủy lợi không còn khả năng chịu tải thì không cấp giấy phép. Tăng cường việc thanh tra, kiểm tra phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm gây ô nhiễm chất lượng nước trong công trình thủy lợi.

Ngoài ra, tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc bảo vệ môi trường, chất lượng nước trong công trình thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, làm tốt công tác quản lý việc xả thải và thu gom chất thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Thiết nghĩ, với sự chỉ đạo các cấp lãnh đạo, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, xây dựng, bảo vệ công trình thủy lợi không bị xâm hại, bảo đảm cho công tác quản lý, vận hành, khai thác phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, tỉnh Bắc Ninh cần có quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng công trình thủy lợi, hoặc vi phạm kéo dài nhiều năm không giải quyết./.

Trần Quỳnh