Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Thực hiện quy định tại Khoản 8, Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các điều kiện để được cấp Giấy phép môi trường cho khoảng 300 trang trại, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh.
Đây là quy định mới, điều kiện khắt khe, chặt chẽ hơn so với các quy định cũ nên từ việc hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục đến xây dựng công trình bảo vệ môi trường tại khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng gặp không ít khó khăn và mất thời gian.
Cán bộ Sở TN&MT Hà Tĩnh cho hay, theo quy định, trong vòng 36 tháng tất cả các trang trại chăn nuôi, cơ sở NTTS đều phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép môi trường. Đơn vị nào không thực hiện sẽ bị xử phạt 150 triệu đồng đối với cá nhân và mức 300 triệu đồng đối với tổ chức. Tất cả các đơn vị từ trước tới nay hoạt động theo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), hồ sơ môi trường thì bây giờ đều phải có Giấy phép môi trường. Giấy phép này tích hợp tất cả hồ sơ môi trường trước đây, từ nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ bụi, vận hành thử nghiệm.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Hà Tĩnh – đơn vị tư vấn đề nghị cấp Giấy phép môi trường cho Công ty Cổ phần chăn nuôi Mitraco (Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh), các điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường trong Giấy phép môi trường cao hơn nhiều so với ĐTM hay cam kết bảo vệ môi trường trước đây. Giấy phép môi trường thay thế cho rất nhiều loại giấy tờ như ĐTM, giấy phép xả thải, hoàn thành công trình, quan trắc định kỳ…nên tất cả các trang trại chăn nuôi đều phải làm. Tuy nhiên, để có được giấy phép này rất khó. Bởi ngoài đạt quy chuẩn quy định còn phải đạt cả cảm quan.
Trong quy chuẩn Việt Nam không quy định màu nước thải cuối cùng xả ra môi trường nên hầu hết nước thải chăn nuôi sau khi xử lý dù xét nghiệm đạt tiêu chuẩn xả thải nhưng màu nước hơi đỏ thì cũng phải xử lý thêm để nước trong hơn nhằm tránh những ý kiến vào ra, khiếu kiện của người dân.
Vị giám đốc cũng chia sẻ thêm, sau khi tư vấn cho 3 trang trại ở các huyện Kỳ Anh, Can Lộc và Hương Khê, ông nhận thấy thực trạng phổ biến hiện nay, hầu hết các trang trại trên địa bàn Hà Tĩnh xây dựng không đúng quy hoạch nên khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép mất nhiều thời gian, kinh phí.
Xác định nhiệm vụ bảo vệ môi trường phải song hành với hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ năm 2020 đến nay Công ty CP chăn nuôi Mitraco dành số tiền hơn 4,3 tỷ đồng đầu tư các hạng mục bảo vệ môi trường tại Trung tâm chăn nuôi lợn nái xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh.
Ông Hồ Sỹ Huy Thảo, Giám đốc Công ty nhấn mạnh, ngoài các hạng mục công trình theo quy định, chúng tôi còn thu gom khí thải làm năng lượng phát điện; đầu tư công nghệ nuôi cấy vi sinh vật xử lý nước thải… Tất cả đều nhằm mục tiêu giảm thiểu tối đa tác động của hoạt động chăn nuôi đến môi trường nói chung.