Hà Nội phát triển hạ tầng số đáp ứng lộ trình xây dựng đô thị thông minh

Lãnh đạo Hà Nội cho rằng giữa bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thủ đô xác định rằng việc xây dựng một đô thị thông minh là điều tất yếu và cấp thiết.

Thông tin trên được ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo "Hà Nội - Thành phố thông minh và Hệ sinh thái ngân hàng mở" do Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Báo Tiền phong tổ chức ngày 2/10.

ha-noi-xay-dung-do-thi-thong-minh-2-1727921517.jpg
Hội thảo "Hà Nội - Thành phố thông minh và Hệ sinh thái ngân hàng mở" tổ chức ngày 2/10. (Ảnh BTC)

Xây dựng thành phố thông minh với hệ thống thanh toán thông minh

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội cho rằng, việc phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, mã QR và thanh toán qua di động đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người dân Thủ đô.

Theo ông Hải, việc xây dựng thành phố thông minh với hệ thống thanh toán thông minh đóng vai trò then chốt đã và đang giúp Hà Nội từng bước chuyển mình và có những đột phá trong quá trình phát triển. Từ việc triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công, giao thông, an sinh xã hội đến hóa đơn điện tử và tuyến phố thanh toán thông minh, Hà Nội bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng trong quá trình phát triển đô thị số.

Lãnh đạo Hà Nội cho rằng giữa bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thủ đô xác định rằng việc xây dựng một đô thị thông minh là điều tất yếu và cấp thiết. Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp để giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị và phát triển xanh, toàn diện, bao trùm, bền vững.

ha-noi-xay-dung-do-thi-thong-minh-1-1727921552.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội thảo.(Ảnh BTC)

Chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là chìa khóa để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là nâng cao chất lượng sống cho người dân. Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển, chuyển đổi số không chỉ giúp xây dựng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiện đại và hiệu quả mà còn góp phần vào quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và của đất nước, đem đến hạnh phúc cho người dân.

Nói về chủ đề thành phố thông minh, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - dẫn lại phát biểu của một vị tiến sĩ, ông nói rõ quan điểm "thành phố thông minh phải đạt được 2S: Sạch và số." Mối quan hệ mật thiết giữa thành phố thông minh và chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng là vô cùng quan trọng.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đã minh họa rõ ràng mối quan hệ này tại hội thảo khi nêu bật bức tranh phát triển mới của Hà Nội - một thành phố hiện đại và tiên tiến, đang đi đầu trong quá trình chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố thông minh. Ông Dũng cũng đề cập đến một bức tranh khác của ngành Ngân hàng, đó là hệ sinh thái ngân hàng mở - một khái niệm còn khá mới mẻ.

ha-noi-xay-dung-do-thi-thong-minh-3-1727921587.jpg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo.(Ảnh BTC)

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết dưới sự định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang dần chuyển mình, thay đổi mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng mở, gắn liền với sự kết nối và tích hợp nền tảng công nghệ, giải pháp thanh toán, chia sẻ dữ liệu... nhằm phát triển một hệ sinh thái số, hệ sinh thái ngân hàng mở.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành và trình ban hành nhiều quy định nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng - thanh toán, tăng cường chuẩn hóa, liên thông trong ngành ngân hàng và giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, an toàn và thuận tiện.

Sẵn sàng về hạ tầng số đáp ứng lộ trình xây dựng đô thị thông minh

Tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Quang Hưng cũng cho biết, mô hình đô thị thông minh/ thành phố thông minh hiện đang là xu hướng của nhiều nước trên thế giới với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp cũng như chất lượng sống của cư dân đô thị.

“Hướng tới mô hình xây dựng thành phố thông minh của Thủ đô Hà Nội, các giải pháp thanh toán điện tử được tích hợp, ứng dụng trong các lĩnh vực sẽ góp phần gia tăng tiện ích cũng như đem lại hiệu quả trong triển khai các hoạt động nói chung. Theo đó, NAPAS và các ngân hàng thành viên đã sẵn sàng về hạ tầng, kỹ thuật để triển khai kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực như giao thông, y tế, giáo dục, dịch vụ công... thông qua hạ tầng kỹ thuật ngân hàng mở. Nhưng bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng cần tăng cường triển khai, kết nối với hệ thống ngân hàng để người dân có thể thụ hưởng các dịch vụ chất lượng”, ông Nguyễn Quang Hưng chia sẻ thêm.

ha-noi-xay-dung-do-thi-thong-minh-4-1727921505.jpg
Hà Nội đã và đang triển khai những bước đi cụ thể xây dựng Thủ đô thành thành phố thông minh, hiện đại. (Ảnh minh họa)

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng cho biết tại Việt Nam, một số ngân hàng đã tiên phong trong việc tích hợp dịch vụ với các đối tác cung ứng, mở ra hướng đi mới cho ngành tài chính. Tuy nhiên, để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngân hàng mở, cần phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, nâng cấp hạ tầng công nghệ, đồng thời đảm bảo an ninh và bảo mật dữ liệu. Điều này đòi hỏi nâng cao nhận thức của người dân về các dịch vụ tài chính số và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khách hàng ngân hàng, nhằm tạo nên một hệ sinh thái tài chính bền vững và an toàn.

Do đó, trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đã nêu ra nhiều vấn đề liên quan đến quản lý đô thị, xử lý các vấn đề công nghệ và hoàn thiện hành lang pháp lý. Việc xây dựng thành phố thông minh không chỉ dừng lại ở yếu tố công nghệ và kỹ thuật, mà còn liên quan chặt chẽ đến thể chế, luật pháp và sự thay đổi trong phương thức quản lý. Đặc biệt, tại thành phố Hà Nội - nơi có quy mô kinh tế và dân cư lớn, các thách thức này cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo sự phát triển toàn diện./.

Bình Châu