Giá thức ăn chăn nuôi tăng lần thứ 6 trong năm, nông dân thêm điêu đứng

Kể từ ngày 1/7/2022, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng. Đây là lần tăng thứ 6 kể từ đầu năm và là lần thứ 17 tính từ năm 2020 khiến các hộ chăn nuôi càng thêm điêu đứng.
tacn2-1656842678.jpg
Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng phi mã

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như tình hình kinh tế, chính trị bất ổn của thế giới, giá thức ăn chăn nuôi đã liên tiếp tăng từ đầu năm 2020.

Các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn như Kyodo Sojitz, CJ Vina Agri và một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi khác mới đây đã thông báo đến các đại lý về việc điều chỉnh giá sản phẩm với mức tăng dao động từ 300-400đ/kg kể từ ngày 1/7/2022.

Theo thống kê, đây đã là lần thứ 6 kể từ đầu năm 2022 giá thức ăn chăn nuôi tăng và là lần thứ 17 kể từ năm 2020, khiến cho các hộ chăn nuôi đã khốn càng thêm khó.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhưng giá thịt lại không tăng hoặc tăng rất ít. Hiện giá thịt heo xuất chuồng ở các tỉnh phía Nam dao động từ 50.000 – 58.000 đ/kg, trong khi chi phí để xuất chuồng của bà con hiện là 60.000 đ/kg khiến nhiều hộ chăn nuôi chán nản không muốn tái đàn.

Trước việc giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã đẩy cuộc sống của nhiều hộ chăn nuôi vào tình trạng thua lỗ, phá sản - các ban, bộ, ngành đang nỗ lực để tìm ra giải pháp.

Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT, về lâu dài, cần giải quyết vấn đề nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tránh lệ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay. Từ nhiều năm qua, ngành nông nghiệp đã quy hoạch lại vùng trồng nguyên liệu bắp, mì; sử dụng nguyên liệu lúa gạo để thay thế một số nguyên liệu khác; nghiên cứu khẩu phần ăn cho ngành chăn nuôi sao cho hợp lý, chế biến phụ phẩm sẵn có trong nước…

Ngoài ra, theo ông Thắng, Cục chăn nuôi đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với bắp từ 5% còn 3%, lúa mì từ 3% xuống 0% để giảm gánh nặng cho bà con trước cơn bão vật giá.