Nhiều trang trại lao đao trong cơn “bão giá” thức ăn chăn nuôi tại Thanh Hoá

DNKTX - Thời gian vừa qua, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. Đứng trước khó khăn này, nhiều trang trại, gia trại phải hoạt động theo cách cầm chừng, liên tục bù lỗ. Thậm chí nhiều nơi phải giảm số lượng đàn, buộc phải “treo truồng” chờ giá thức ăn bình ổn trở lại.

Hơn 1 năm tăng 12 lần giá

Thời điểm ổn định từ năm 2015 - 2018, trang trại của anh Trương Văn Bắc, ngụ ở xóm 1, xã Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa nuôi tới 100 con lợn nái và 1.000 lợn thịt. Chỉ cần giá lợn hơi từ 40.000 đồng/kg trở lên là anh đã có được nguồn thu nhập tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây chăn nuôi chưa bao giờ là dễ dàng, sự thất thường của thời tiết, giá cả, dịch bệnh,... khiến những người nông dân phải trăn trở, bất an. Thật vậy, từ năm 2018 đến nay, trang trại của anh Bắc luôn rơi vào tình trạng bấp bênh, thua lỗ vì những nguyên nhân kể trên. Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, do dịch bệnh cộng thêm “cơn bão giá” thức ăn chăn nuôi, khiến cả trang trại rộng lớn từng nuôi tới vài nghìn gia súc, gia cầm của anh Bắc chỉ còn hoạt động cầm chừng với vài chục con bò, lợn cùng hơn 100 con gà.    

“Giá gia súc, gia cầm đều giảm, mà giá thức ăn chăn nuôi lại tặng vùn vụt, mới hơn 1 năm nay mà đã tăng tới 12 lần giá. Tôi tính chi li với giá cám hiện tại, một con lợn nuôi đến lúc xuất chuồng bán ra thị trường với giá trung bình 35.000 đồng/kg thì chắc chắn không có lãi. Đó là chưa kể dịch bệnh, thời tiết thất thường. Hoàn cảnh như thế này thì chúng tôi còn tâm trí đâu để đầu tư nữa?” – anh Bắc ngậm ngùi.

1-1-1648450821.jpg
Trang trại của anh Bắc giờ chỉ dám hoạt đồng cầm chừng.

Không trực tiếp chăn nuôi nhưng anh Lê Văn Trung, quản lý vùng Thanh Hóa của công ty thức ăn chăn nuôi Hoa Kỳ lại có chung tâm trạng hệt như những chủ trang trại khác trên địa bàn. Anh giãi bày tâm sự: “Khoảng 3 năm trở về trước, mỗi tháng tôi đều bán ổn định 120 tấn cám, thu nhập trung bình 80 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, công việc ngày càng khó khăn, sản lượng cám bán ra thị trường giảm dần theo thời gian, thời điểm hiện tại tôi chỉ duy trì được con số 40 tấn/tháng. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng chủ quan vẫn là do giá cám tăng cao, cùng với việc giá cả thị trường gia súc, gia cầm biến động thất thường, hệ quả khiến người chăn nuôi chán nản không dám đầu tư lớn, thậm chí nhiều trang trại phải bỏ trống để cắt lỗ”.

Theo tìm hiểu của PV Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đồng loạt thông báo tới các đại lý và khách hàng về việc tăng giá sản phẩm.

Được biết, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi là do nguyên liệu đầu vào tăng cao. Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Vì vậy chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới, trong khi năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn hạn chế.

2-1-1648450821.jpg
Để cắt lỗ, anh Bắc còn phải chấp nhận "treo truồng"

Đồng hành cùng nông dân vượt khó, chia sẻ khó khăn

Việc các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng giá liên tục trong thời gian vừa qua buộc các cửa hàng bán lẻ cũng phải điều chỉnh tăng giá bán. Tuy nhiên, đa số các đại lý chỉ tăng giá nhẹ, chấp nhận lợi nhuận ít để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi. “Đã nhiều tháng nay, đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi của tôi hoạt động không cần lãi. Phần lợi nhuận hay hoa hồng, tôi chấp nhận lấy ra hỗ trợ người chăn nuôi. Tôi xác định, phải cùng họ vượt qua gia đoạn khó khăn này thì mới cùng nhau phát triển bền lâu được”. – anh Trương Văn Nam, chủ đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi Nam Anh, thôn Xuân Tiến, xã Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) bộc bạch.

Anh Nam chia sẻ: "Tôi rất mong các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cường liên kết, giảm các khâu trung gian để giảm giá thành sản phẩm, đồng hành cùng các cơ sở kinh doanh và người chăn nuôi bằng cách tăng cường cung ứng vật tư chăn nuôi qua hình thức trả chậm để các cơ sở kinh doanh, hộ chăn nuôi có thêm nguồn vốn để đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, mong cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về giá, gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi để bảo đảm quyền lợi cho người chăn nuôi".

3-1-1648450820.jpg
Nhiều đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi chấp nhận giảm lãi để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, Thanh Hóa có khoảng 23,6 triệu con gia cầm, gần 1,2 triệu con lợn, trên 450 nghìn con trâu bò.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh Thanh Hóa cho biết, tình trạng “bão giá” thực ăn chăn nuôi đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi của địa phương. Để khắc phục tình trạng này, Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, lựa chọn phát triển những đối tượng con nuôi có tính cạnh tranh, phù hợp với trình độ sản xuất và nhu cầu, thị hiếu của thị trường.

Song hành cùng quá trình này, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao và thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Bởi, khi tham gia phát triển chuỗi liên kết sẽ giúp san sẻ được rủi ro trong các khâu, dù chi phí đầu vào có tăng nhưng vẫn bảo đảm có lãi hoặc không lỗ. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi cần tuân thủ chặt chẽ các quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Mặt khác, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện và đồng hành cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân phát triển và nhân rộng các mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị, chăn nuôi an toàn sinh học đạt hiệu quả kinh tế cao. Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cường liên kết, giảm các khâu trung gian để giảm giá thành sản phẩm, đồng hành cùng các cơ sở kinh doanh và người chăn nuôi bằng cách tăng cường cung ứng vật tư chăn nuôi qua hình thức trả chậm để các cơ sở kinh doanh, hộ chăn nuôi có thêm nguồn vốn để đầu tư sản xuất...

Sơn Hà - Nguyễn Trường