Tiền Giang: Đổi mới và thích ứng để ngành hàng trái cây phát triển bền vững

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn cho biết, Tiền Giang hiện có trên 82.700 ha vườn trồng cây ăn quả; trong đó, có gần 63.000 ha đang đơm trái.

Năm 2021, toàn tỉnh đạt sản lượng trên 1.593.000 tấn trái cây các loại phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tăng hơn 4,2% so với năm trước. Riêng sản lượng thu hoạch trong tháng 12/2021 khoảng 121.000 tấn trái cây các loại.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, thời điểm này trở đi, sản lượng nhiều loại trái cây chủ lực của tỉnh như sầu riêng, xoài, dứa, mít,…sẽ tăng mạnh do đang vào mùa thu hoạch rộ. Đặc biệt, khi địa phương chuyển trạng thái phòng, chống COVID-19 sang giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, giá bán của các loại trái cây được cải thiện, tăng khá so với thời gian giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, do tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc gặp khó khăn khiến giá mít, chuối, thanh long sụt giảm và việc tiêu thụ của nông dân cũng không được suôn sẻ, thuận lợi.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn chia sẻ, những ngày qua, lượng xe chở nông sản, nhất là mặt hàng trái cây tươi đang ùn ứ tại 3 cửa khẩu phía Bắc là Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma rất lớn.

Riêng tỉnh Tiền Giang lượng nông sản, chủ yếu là thanh long và mít tồn đọng, ách tắc tại đây khoảng vài nghìn tấn. Trong khi đặc thù đây là mặt hàng trái cây tươi, thời gian bảo quản, tồn trữ không lâu nên dễ bị hư hỏng, thiệt hại nặng cho doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

325-1640488983.jpeg
Ảnh minh hoạ

Ông Đặng Văn Tuấn cho biết, trước tình hình trên, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang thường xuyên liên hệ với Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn nắm bắt kịp thời, cập nhật tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu; đồng thời, thông tin về thực trạng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch hiện nay cũng như khuyến cáo các doanh nghiệp cân nhắc, hạn chế đưa xe hàng xuất khẩu lên các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn trong thời gian này, tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa thêm trầm trọng.

Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tăng cường xúc tiến thương mại nói chung, xúc tiến thương mại trái cây nói riêng; khuyến khích doanh nghiệp giảm xuất khẩu tiểu ngạch và tăng cường xuất khẩu chính ngạch để giảm rủi ro…

Về lâu dài, Sở sẽ chú trọng tuyên truyền để các doanh nghiệp nắm rõ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết mang lại cơ hội mới cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung cũng như yêu cầu về tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, việc hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông, thủy sản xuất khẩu đáp ứng các thị trường khó tính vừa nâng cao sức cạnh tranh nông sản chủ lực của tỉnh trên thị trường xuất khẩu.

Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản địa phương trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) vào các thị trường có tham gia các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.

"Phải đổi mới và thích ứng để ngành hàng trái cây Tiền Giang phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn mới. Đó là yêu cầu bức thiết trước mắt đồng thời mang tính chiến lược lâu dài", ông Đặng Văn Tuấn nhấn mạnh.

Thực tế đã ghi nhận được những tín hiệu khả quan trong vấn đề xuất khẩu trái cây Tiền Giang theo đường chính ngạch. Bởi theo ông Đặng Văn Tuấn, trong năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ tư ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội nhưng toàn tỉnh vẫn vượt khó, xuất khẩu được 12.411 tấn rau quả, thu về 26,63 triệu USD, tăng 3,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường xuất khẩu đa dạng, nhiều nhất là EU chiếm 42,19%, Hàn Quốc chiếm 15,43%, Nhật Bản chiếm 14,95%, Hoa Kỳ chiếm 7,65%, Trung Quốc chiếm 2,14%,… Các mặt hàng rau quả chủ lực gồm: Xoài, thanh long, chôm chôm, mít, vú sữa…

Giám đốc Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An (xã Mỹ Tinh An, huyện Chợ Gạo) Võ Chí Thiện cho hay, để đạt mục tiêu, đơn vị quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu thanh long theo tiêu chí GlobalGAP, đầu tư kho sơ chế, đóng gói sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, liên kết để phát triển thị trường…

Kết quả, Hợp tác xã thanh long Mỹ tịnh An đã xây dựng được vùng nguyên liệu thanh long theo tiêu chí GlobalGAP trên 100 ha, sản lượng mỗi năm khoảng 2.000 tấn quả. Thanh long do xã viên, hộ dân sản xuất theo mô hình liên kết, đảm bảo chất lượng được hợp tác xã thu mua cao hơn thị trường bình quân 2.000 đồng/kg. Từ chỗ ban đầu sản xuất, thu mua cung ứng cho thị trường Trung Quốc, thanh long của Hợp tác xã hiện đường hoàng chiếm lĩnh nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Hà Lan, Bỉ, Na Uy, Thụy Sĩ,…

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng cho biết, con đường phát triển thị trường của Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An được địa phương hết sức khuyến khích. Đặc biệt, huyện Chợ Gạo sở hữu thương hiệu “Thanh long Chợ Gạo” nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang với tổng diện tích trên 7.400 ha, sản lượng mỗi năm khoảng 150.000 tấn quả, chủ yếu xuất khẩu.

Trong tình hình ùn ứ nông sản, xuất tiểu ngạch bếp bênh hiệu nay, không thể đi theo lối mòn cũ mà phải đổi mới, thích ứng và tận dụng cơ hội khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các Hiệp định thương mại tự do khác mở đường cho trái thanh long Chợ Gạo vươn ra biển lớn.

Theo ông Cao Tấn Hưởng, để phát triển bền vững cây thanh long chủ lực, giúp nông dân vượt khó làm giàu và huyện xây dựng thành công, ra mắt huyện nông thôn mới vào năm 2020 vừa qua, địa phương xây dựng vùng chuyên canh thanh long theo hướng GAP đồng thời với hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác, gắn kết doanh nghiệp giải quyết đầu ra bền vững.

Từ định hướng trên, toàn huyện đã có 2.180 ha thanh long trồng theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP, hỗ trợ 14 hợp tác xã đăng ký bảo hộ logo thanh long Chợ Gạo về mã vạch và tem truy xuất nguồn gốc.

Hơn nữa, trong nỗ lực quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại và giải quyết đầu ra cho trái thanh long đặc sản, Chợ Gạo đã được phía Trung Quốc cấp 15 mã vùng trồng tại 15 xã trọng điểm và 135 cơ sở đóng gói sang Trung Quốc. Đây là yêu cầu tiên quyết tạo điều kiện cho doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc và đưa thanh long với sản lượng lớn ra thị trường.

Mặt khác, để giảm bớt áp lực về tiêu thụ nông sản trong tình hình hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cùng các địa phương hướng dẫn, khuyến khích nông dân xử lý cho trái rải vụ đồng thời rà soát sản lượng trái cây thu hoạch trong thời gian tới để dự báo thị trường kịp thời, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ cho nông dân kể cả phối hợp Sở Công Thương đưa nông sản lên sàn giao dịch điện tử.

Ngoài ra, chú trọng phát triển thị trường nội địa cho trái cây Tiền Giang nhằm đa dạng kênh tiêu thụ hiệu quả, khắc phục căn cơ tình trạng ùn ứ nông sản, thiệt hại lớn như hiện nay. Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tích cực quan hệ cùng các nhà quản lý, hợp tác xã, doanh nghiệp để bàn hướng gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ một cách chặt chẽ, hiệu quả.

Từ thực trạng nông sản Việt; trong đó, có trái cây Tiền Giang bị ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc gây thiệt hại lớn đã bộc lộ hạn chế lâu nay trong nền sản xuất nông sản hàng hóa của tỉnh nói chung là thiếu sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa khâu sản xuất và tiêu thụ, đảm bảo nông sản ra thị trường. Tuy vậy, trong khó khăn cũng là cơ hội để địa phương tiếp tục đổi mới và thích ứng linh hoạt vì sự phát triển ngành hàng trái cây chủ lực tỉnh Tiền Giang một cách bền vững, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp đổi mới nông nghiệp, nông dân, nông thôn./.