Định hướng phát triển ngành Cơ khí - Tự động hóa TP. Hồ Chí Minh đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050

“Ngành cơ khí là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu được TP. Hồ Chí Minh khuyến khích phát triển, thời gian qua, ngành cơ khí có đóng góp quan trọng cho công nghiệp của Thành phố, chiếm khoảng 19% giá trị sản xuất, đóng góp 17% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp. Trước những tác động mạnh mẽ của làn sóng công nghiệp lần thứ IV, doanh nghiệp cơ khí phải đương đầu với không ít thách thức trong việc cải tiến công nghệ, bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Đó là phát biểu của bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tại Hội thảo “Định hướng phát triển ngành Cơ khí - Tự động hóa TP. Hồ Chí Minh đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra ngày 18/4/2023 tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo do Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tổ chức.

1-1681909309.jpg
Hội thảo “Định hướng phát triển ngành Cơ khí - Tự động hóa TP. Hồ Chí Minh đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra ngày 18/4/2023

Các cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã tác động trực tiếp vào sản xuất công nghiệp, ứng dụng những thành tựu của công nghệ điện tử tự động hoá, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây vào hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống với những công cụ ngày càng chính xác, thông minh hơn.

TS. Trần Anh Sơn - Phó Trưởng Khoa Cơ khí Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Ngành Cơ khí - Tự động hóa chiếm 20% GRDP của Thành phố và tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, ngành cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, chủ chốt. Có thể tham gia không giới hạn hầu hết các lĩnh vực sản xuất. Do đó, mỗi doanh nghiệp tự nhận dạng xu hướng công nghệ mới, đối sánh với sản phẩm và công nghệ hiện có của doanh nghiệp để định hướng phát triển trong tương lai”.

2-1681909339.jpg
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo 

Việc xác định nhóm các sản phẩm chủ lực của ngành Cơ Khí - Tự động hoá là một nội dung tối quan trọng, mang tính nền tảng cho các hoạt động chiến lược thúc đẩy phát triển cho nhóm ngành nhằm tối ưu hóa mọi hoạt động chiến lược cho ngành.

Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE), ông Đoàn Võ Duy Khương chia sẻ: “Trong lĩnh vực Cơ khí - Tự động hóa, việc đầu tư, mua sắm máy móc, thiết bị nhằm mục đích nâng cao năng suất, sản lượng, tối ưu chi phí, nâng tầm chất lượng hay đổi mới công nghệ là nội dung tối cần thiết. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng chưa có những chính sách chiến lược cho loại tài sản này. Chỉ có một số ít tổ chức hay loại hình thuê tài chính đã có chính sách phù hợp, thủ tục dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cơ chế về sở hữu và lãi suất của loại hình này rất cao. Nhà nước nên chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp bắt đầu từ việc nghiên cứu loại hình này”.

3-1681909372.jpg
Từ phải qua trái: Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tham dự Hội thảo.

“Thành lập quỹ đầu tư hay kết nối quỹ đầu tư, doanh nghiệp quản lý quỹ nhà nước, cơ chế cho quỹ tư nhân xây dựng các chương trình đầu tư vào các doanh nghiệp Cơ khí - Tự động hóa cần có các chính sách thông thoáng, thông qua các đánh giá thực chất từng giai đoạn theo mục tiêu phát triển nhóm ngành, nhóm sản phẩm”, ông Đoàn Võ Duy Khương cho biết thêm.

4-1681909439.jpg
TS. Trần Anh Sơn - Phó Trưởng Khoa Cơ khí Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) trình bày tham luận tại Hội thảo.

“Các doanh nghiệp cơ khí cũng phát triển theo xu hướng chung, nhưng tốc độ rất chậm, các công ty còn làm việc riêng lẻ manh múm, chưa có công ty lớn đầu tàu nhận các dự án lớn để kéo các công ty nhỏ phụ trợ theo. Các chính sách của nhà nước cũng chưa thật sự rõ nét, đi vào thực tế, hầu hết còn ở tình trạng hô khẩu hiệu. Chưa thật sự hỗ trợ cho các công ty tư nhân về vốn vay ưu đãi, hay các ưu đãi khác. Các doanh nghiệp tư nhân thực sự vay được vốn ưu đãi còn khá ít”, TS Bùi Thanh Luân - Ủy viên Thường vụ Hội Tự động hóa TP. Hồ Chí Minh (HAuA) chia sẻ.

5-1681909483.jpg
Ông Đoàn Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) trình bày tham luận 

Ông Nguyễn Thể Hà - Cố vấn Đầu tư Khoa học Công nghệ Công ty Cơ khí Bùi Văn Ngọ cho biết: “Cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp, hiện đại hoá công nghiệp chế biến bằng phát triển ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp là giải giải pháp cơ bản. TP. Hồ Chí Minh là trung tâm cơ khí lớn của cả nước, cần hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp cho các tỉnh có công nghiệp phát triển kém, nhưng là trụ đỡ cho nền kinh tế, cung cấp lương thực cho cả nước. Cần phát huy thế mạnh của 2 ngành công nghiệp và nông nghiệp thông qua các hoạt động phối hợp, tương tác”.

“Có thể thực hiện các tương tác thông qua việc thành lập một Trung tâm nghiên cứu ứng dụng cơ khí nông nghiệp có sự tham gia của cả Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hồ Chí Minh. Đại học Bách khoa và Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh có thể cử cán bộ cộng tác. Trung tâm sẽ là cầu nối giữa chế tạo và sử dụng máy móc nông nghiệp”.

6-1681909574.jpg
TS. Bùi Thanh Luân - Ủy viên Thường vụ Hội Tự động hóa TP. Hồ Chí Minh (HAuA) trình bày tham luận tại Hội thảo.

Qua ý kiến chia sẻ và hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Hiệp hội, Hội ngành nghề, cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp tại hội thảo là cơ sở để TP. Hồ Chí Minh xây dựng chiến lược phát triển ngành Cơ khí - Tự động hóa đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố trước xu thế phát triển mới của thế giới./.

Đạm Quang Lê