Theo đó, nhằm hạn chế tình trạng trà trộn nông sản không an toàn, kém chất lượng, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, HTX xây dựng mã số vùng trồng (MSVT) trong lĩnh vực trồng trọt.
Tính đến nay, Thanh Hóa có 1.511 ha sản xuất, với 164 mã số vùng trồng (MSVT) đã được các đơn vị chức năng thẩm định, chứng nhận đủ tiêu chuẩn cấp mã số. Trong đó, có 819 ha cây trồng được cấp mã số vùng trồng nội địa và 692 ha được cấp mã số vùng rồng xuất khẩu.
Xác định được tầm quan trọng và những lợi ích của MSVT mang lại cho người dân sản xuất và tiêu dùng, nhiều HTX trên địa bàn đã xây dựng và phát triển vùng sản xuất an toàn, gắn với quy trình chế biến chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu của khắt khe của thị trường.
Ghi nhận tại HTX nông nghiệp Đồng Lợi (huyện Triệu Sơn) cho thấy: Trước đây, bà con canh tác theo kiểu “mạnh ai nấy làm” dẫn đến năng xuất, chất lượng sản phẩm thấp. Tuy nhiên từ khi được hướng dẫn, HTX đã bắt đầu quy hoạch và phát triển vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất, chất lượng cao. Đến nay, HTX đã xây dựng vùng được cấp MSVT với quy mô 50 ha tại các thôn Quần Nham 1, Quần Nham 2, Long Vân, Lọc Trạch, Lộc Nham với hơn 300 hộ tham gia sản xuất.
Ông Vũ Đình Thắng, Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Lợi, cho biết: "Để đủ điều kiện được cấp MSVT, các hộ dân phải tuân thủ các quy định sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Do đó, HTX thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật bám đồng ruộng hướng dẫn, giám sát bà con sản xuất và sử dụng vật tư theo đúng quy định. Sau khi được cấp MSVT cho các sản phẩm lúa Q5 và BC15, nhiều doanh nghiệp, đại lý tiêu thụ liên hệ với HTX để đặt hàng. Hiện trung bình mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường với sản lượng 550 tấn lúa các loại".
Để khuyến khích người dân, HTX sản xuất an toàn, đủ điều kiện cấp MSVT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX xây dựng MSVT lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tổ chức nhiều lớp tập huấn để tuyên truyền về các nội dung có liên quan đến MSVT, cơ sở đóng gói.
Thông qua các lớp tập huấn, cán bộ của chi cục đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân các quy định về cấp MSVT và hướng dẫn cách ghi chép sổ nhật ký sản xuất; cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng”. Đến nay, toàn tỉnh có 164 vùng trồng được cấp mã số với tổng diện tích 1.511 ha, tập trung ở các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Như Thanh, Yên Định, Đông Sơn, Như Xuân, Quảng Xương, Triệu Sơn, Thạch Thành, Thọ Xuân...
Hiện nay, các địa phương đã xây dựng được các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung có năng suất cao, chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn không ít nông dân, HTX, doanh nghiệp ở các địa phương trong tỉnh chưa chú trọng việc xây dựng MSVT cho nông sản... Bên cạnh đó, một số MSVT đã được cấp nhưng công tác duy trì chưa được quan tâm, thường xuyên.
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa), qua quá trình xây dựng, thực hiện quy trình cấp mã số vùng trồng, nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý địa phương trong ghi nhật ký sản xuất đã được nâng cao.
Các chủ thể sản xuất và cơ quan quản lý đã chú trọng, theo dõi chặt chẽ quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững. Đồng thời, đây là tiền đề để Thanh Hóa phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong những năm tới./.