Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2023-2030

Ngành Nông nghiệp Việt Nam với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, phải đi tiên phong trong tiến trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
a1-1698890673.jpg
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp là giải pháp của giải pháp để hoàn thành mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững. (Ảnh minh họa)

Khái quát tình hình đào tạo nhân lực ngành Nông nghiệp

Tính đến hết tháng 12/2022, có khoảng 13.937.600 lao động hoạt động trong ngành Nông nghiệp, chiếm 27,54% trong tổng số lao động cả nước. Trong 10 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cả nước có gần 10 triệu lượt người được học nghề, trong đó có 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo.

Riêng đối với đào tạo nghề nông nghiệp, cả nước đã đào tạo được 2,84 triệu lượt người; trong đó: sơ cấp nghề đạt 0,87 triệu người (chiếm 30,50%), đào tạo dưới 03 tháng đạt 1.89 triệu người (chiếm 66,55%), trình độ trung cấp là 0,06 triệu người (chiếm 2.02%) và cao đẳng được 0,03 triệu người (chiếm 0,97%).

Tỷ lệ lao động nông nghiệp sau đào tạo có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có thu nhập cao hơn đạt trên 90%, nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo (có văn bằng, chứng chỉ) từ 6,3% lên 17,2%. Đã chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Nông nghiệp, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm tiêu chuẩn, thống nhất trong quản lý, đã đào tạo sau đại học được 24.484 người, trong đó: Tiến sỹ 1.145 người, thạc sỹ 23.339 người; đại học, cao đẳng 234.551 người; trung cấp 213.192 người; tổ chức 155 lớp cho 13.322 học viên đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên.

Về cơ sở đào tạo, hiện cả nước có khoảng 54 cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu đào tạo đại học, sau đại học có liên quan đến lĩnh vực Nông nghiệp, với khoảng 325 ngành nghề, hàng năm có khoảng 10.000 cử nhân tốt nghiệp phục vụ các hoạt động khác nhau trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. So với yêu cầu về số lượng qua đào tạo, con số này còn nhỏ bé. Trong khi đó, việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có vai trò rất quan trọng và cấp thiết. Trong thực tế, phần lớn nguồn nhân lực qua đào tạo cũng mới chỉ tập trung cho khâu sản xuất, chưa có đủ cho khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm, tạo dựng và bảo vệ thương hiệu để tạo đầu ra ổn định cho nông sản.

Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn có một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Trong đó, lao động nông thôn trình độ còn thấp, đang có xu hướng già hóa (nhóm tuổi từ 50 trở lên gia tăng từ 10,4% năm 2006 lên 15,2% năm 2011 và 26,9% năm 2020). Chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn tuy có bước cải thiện, nhưng hiệu quả chưa cao, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo (tính cả không có bằng, chứng chỉ) đạt 44,5%; lao động nông thôn qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ đạt 10,03%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ trình độ sơ cấp trở lên được đào tạo còn chiếm tỷ lệ thấp, dưới 5%.

Tỷ lệ học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông - lâm - thủy sản giảm mạnh, năm 2022, tỷ lệ này chiếm chưa đến 2% trong tổng số khoảng 520.000 sinh viên nhập học trên toàn quốc và có xu hướng tiếp tục giảm; trong đó có một số ngành nông - lâm - thủy sản truyền thống như: Khoa học đất, khuyến nông, khai thác thủy sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo; lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng… có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký theo học. Chất lượng nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu cũng là một trong những nguyên nhân làm cho năng suất lao động nông nghiệp thấp, chỉ bằng 44,52% năng suất lao động toàn xã hội, tương đương với 40% của Thái Lan, 30% của Trung Quốc.

Những định hướng của Đảng và Nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp, nông thôn

Phát triển nguồn nhân lực nói chung và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp nói riêng luôn được Đảng ta coi là một nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Qua các kỳ Đại hội Đảng, vấn đề phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp được nhận thức ngày một sâu sắc hơn với những chủ trương, định hướng đúng đắn, phù hợp với tình hình và từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Đại hội XIII của Đảng đã chỉ đạo: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ đạo: “Tạo đột phá trong phát triển nhân lực, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, tận dụng hiệu quả cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Đổi mới toàn diện hình thức tổ chức và nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, nhất là lao động trẻ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, khoa học - công nghệ, quản trị kinh doanh đáp ứng nhu cầu lao động ở nông thôn, chuyển đổi nghề nghiệp và xuất khẩu lao động. Có chiến lược nâng cao năng suất lao động, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tư nhân tham gia đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động ở nông thôn”.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/CP, ngày 27/02/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 5 nhóm nhiệm vụ, cụ thể:

Thứ nhất, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, tập trung, quy mô lớn; đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để chuyển đổi một bộ phận lao động nông thôn sang làm công nghiệp, dịch vụ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế. Đào tạo nguồn nhân lực nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa thực chất, hiệu quả, bền vững, đi vào chiều sâu, lấy cư dân nông thôn làm chủ thể, đem lại chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thứ hai, xây dựng, phê duyệt và triển khai hiệu quả quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó triển khai phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp khu vực nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển của đất nước trong từng giai đoạn.

Thứ ba, xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn đến năm 2030”; xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nguồn lực cho ngành Nông nghiệp, tập trung vào những nhiệm vụ trọng yếu trong quản lý, kiến tạo giá trị mới và theo hướng tăng cường phân cấp cho địa phương. Đổi mới tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức bảo đảm chất lượng năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công vụ. Sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thứ tư, phân cấp mạnh mẽ hoạt động khuyến nông cho các tổ chức của nông dân và doanh nghiệp; phát triển hệ thống khuyến nông cộng đồng. Khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp, ngành hàng tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đào tạo nghề và khuyến nông.

Thứ năm, xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, Ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM) theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện ngay trong năm 2023 và 2024, cụ thể: (1) Đề án đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; (2) Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả phổ cập giáo dục ở vùng nông thôn; (3) Đề án xây dựng và phát triển mô hình đào tạo, bồi dưỡng nghề gắn với thực hành sản xuất nông nghiệp và giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh niên nông thôn; (4) Chương trình đưa lao động nông nghiệp, thành viên hợp tác xã nông nghiệp đi làm việc và học tập ở các nước nông nghiệp phát triển.

Khuyến nghị giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Nông nghiệp­

Để tổ chức thực hiện tốt những định hướng của Đảng và Nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp, nông thôn, người viết khuyến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:
Hoàn thiện thể chế, chính sách đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn: Tổ chức thực hiện tốt các chương trình, đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/CP, ngày 27/2/2023 của Chính phủ; xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội từng ngành, vùng, địa phương theo hướng mở, tinh gọn, phù hợp, chất lượng và hiệu quả. Hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản để đồng bộ hóa các quy định giữa các Luật: Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục, Luật Việc làm, Bộ Luật Lao động. Triển khai các hoạt động đánh giá, sơ kết Luật Giáo dục nghề nghiệp để sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục nghề nghiệp phù hợp với bối cảnh và giai đoạn phát triển mới; hoàn thiện, sửa đổi Luật Hợp tác xã 2012 theo hướng bổ sung việc luật hóa đào tạo nghề và phát triển quỹ dạy nghề trong các hợp tác xã nông nghiệp.

Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg, trong đó, triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý đào tạo nghề nói chung và giáo viên, quản lý đào tạo nghề vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn; có chính sách đãi ngộ nhằm khuyến khích lao động lành nghề trong các lĩnh vực, nghệ nhân trong các làng nghề tham gia đào tạo nghề tại các cơ sở đào tạo nghề nông thôn, tại các doanh nghiệp. Hoàn thiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nông thôn tuyển dụng, đào tạo lao động tại chỗ để nâng cao kỹ năng, đáp ứng sự thay đổi của khoa học công nghệ.

Xây dựng và ban hành khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia và hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho người lao động. Có chính sách tăng cường và khuyến khích chuẩn hóa lao động theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia nhằm tăng cường khả năng dịch chuyển của người lao động trong thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời nâng cao hiệu quả đào tạo lao động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Phát triển mạng lưới đào tạo và tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, đội ngũ giáo viên cho hoạt động đào tạo nghề: Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đào tạo lao động nông thôn; tăng cường thu hút giáo viên trình độ cao, chuyên môn giỏi, đảm bảo cơ cấu và số lượng; Chú trọng đào tạo bồi dưỡng tăng cường năng lực chuyên môn, kỹ năng mềm cho đội ngũ cán bộ quản lý, người dạy nghề cho lao động nông thôn; thu hút cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề, nông dân sản xuất giỏi... tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.

Chuẩn hoá trong công tác tuyển chọn, sử dụng cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề; thực hiện tốt các chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý dạy nghề. đầu tư đồng bộ cho các trường trọng điểm, nghề trọng điểm để đào tạo một bộ phận nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các ngành nghề mũi nhọn, trọng điểm. Chuẩn hoá, hiện đại hoá cơ sở đào tạo nghề. Tăng cường hỗ trợ đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập để xây dựng, sửa chữa nhà xưởng, phòng học, ký túc xá và các công trình phục vụ sinh hoạt, tập luyện cho lao động nông thôn, người học nội trú, người khuyết tật; mua sắm, đổi mới trang thiết bị đào tạo tại chỗ, phương tiện vận chuyển thiết bị đào tạo phục vụ dạy nghề lưu động cho lao động nông thôn. Chú trọng các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề, đáp ứng sự thay đổi công nghệ sản xuất, khoa học kỹ thuật và xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động.

Nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực; điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo: Chính phủ cần chủ động xây dựng và công bố các định hướng phát triển kinh tế trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn trên quy mô cả nước và đối với từng vùng. Trên cơ sở đó hình thành kế hoạch phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cho các nhu cầu của từng ngành và lĩnh vực kinh tế. Đồng thời, thường xuyên theo dõi sự biến chuyển của cơ cấu kinh tế để điều chỉnh kịp thời công tác đào tạo nguồn nhân lực mới cho các ngành đang và sẽ hình thành và đào tạo lại người lao động ở những ngành bị mất đi để giúp họ có đủ năng lực chuyển sang hoạt động ở các ngành kinh tế mới, đặc biệt trong bối cảnh cơ giới hoá và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ngày càng được phổ biến rộng rãi.

Nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo; hình thành cơ sở dữ liệu chung về cung cầu thị trường lao động. Bổ sung nhân sự chuyên trách, có chuyên môn dự báo cung – cầu lao động, có khả năng phân tích dự báo thị trường lao động; phân tích các biến động lao động, nhân tố ảnh hưởng đến cung cầu lao động. Đào tạo, nâng cao năng lực dự báo cho đội ngũ cán bộ đang làm công tác dự báo.

Đổi mới và phát triển các chương trình, phương thức đào tạo và mô hình đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn: Rà soát danh mục nghề đào tạo để phê duyệt phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, yêu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, từng bước chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, dịch vụ nông thôn. Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo từ xa, trực tuyến phù hợp với mọi người để có thể tham gia học tại bất cứ nơi nào, thời gian nào phù hợp với điều kiện và trình độ của mình.

Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, trình độ đào tạo; mở rộng các hình thức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên, đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn, giúp cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, người khuyết tật, người nội trợ và người cao tuổi dễ dàng tiếp cận với đào tạo nghề để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của đào tạo nghề nông thôn. Tăng cường các mô hình đào tạo nghề có sự gắn kết giữa đào tạo và thị trường lao động.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động đào tạo nghề nghiệp định kỳ: Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và Nhân dân trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; thực hiện kiểm tra, giám sát đối với từng lớp đào tạo trước khi mở lớp, trong quá trình đào tạo, việc sử dụng kinh phí và thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với người học nghề, công tác giải quyết việc làm sau đào tạo của người học góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường công tác hậu kiểm trên cơ sở các chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Bố trí và phân bổ nguồn lực tài chính: Đầu tư cho đào tạo nghề nông nghiệp, nông thôn cần được ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nhân lực của từng địa phương. Ngân sách cho đào tạo nghề nông nghiệp, nông thôn được phân bổ từ tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo và các chương trình mục tiêu quốc gia, được phân bổ theo nguyên tắc công khai, minh bạch, kịp thời.

Tập trung đầu tư cho các cơ sở đào tạo ngành, nghề trọng điểm, đặc thù đào tạo nhân lực chất lượng cao; đầu tư phát triển đội ngũ giáo viên, chuyên gia dạy nghề, cán bộ quản lý cơ sở; hỗ trợ nâng cao trình độ, kỹ năng, cập nhật xu hướng công nghệ cho những người làm công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo, từng bước thị trường hóa dịch vụ dạy nghề cho đối tượng có điều kiện, có nhu cầu học nghề; đa dạng hoá nguồn lực xã hội. Đổi mới phương thức phân bổ ngân sách chi cho đào tạo nghề nông thôn theo hướng đặt hàng, giao nhiệm vụ theo số lượng và chất lượng kết quả đầu ra.

Tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, ứng dụng công nghệ cao để tạo thêm nhiều việc làm tốt hơn và tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, sử dụng nhiều lao động chất lượng cao ở khu vực nông thôn: Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước và đa dạng hóa các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư phát triển mạnh hơn cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn; có chiến lược và quy hoạch phát triển phù hợp nhằm định hướng doanh nghiệp ở các thành thị phát triển lan tỏa về khu vực nông thôn; tổ chức sản xuất hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng sản xuất tập trung, cơ giới hoá đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản hàng nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng; Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của từng tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; Xây dựng, phát triển kênh phân phối, mô hình kết nối xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp nông thôn gắn với chuỗi các chợ đầu mối, trung tâm cung ứng hàng nông sản hiện đại, hạ tầng thương mại hiện đại. Thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp hiện đại ở khu vực nông thôn, qua đó góp phần giải quyết việc làm vùng nông thôn, tăng cường sức thu hút của doanh nghiệp lớn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao; hình thành và kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp nông thôn các cấp.

Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ: Cần có chính sách đãi ngộ hợp lý với cán bộ nghiên cứu nông nghiệp trẻ để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu ngày càng tăng cao. Có chiến lược đào tạo các nhà khoa học đầu ngành ngang tầm với quốc tế, khuyến khích những người có khả năng tham gia các tổ chức nghiên cứu quốc tế, hay mời các chuyên gia quốc tế vào tham gia điều hành các nhóm nghiên cứu liên ngành để nâng cao khả năng hội nhập về khoa học công nghệ nông nghiệp của Việt nam.

Nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu hoa học và chuyển giao công nghệ cần được đào tạo và đào tạo lại để cập nhật kiến thức, nâng cao chất lượng về chuyên môn đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu hoa học và chuyển giao công nghệ, xem xét về chế độ đãi ngộ để không bị chảy máu chất xám đ ối với cán bộ nghiên cứu và để cán bộ làm công tác khuyến nông yên tâm công tác có hiệu quả.

TS. Vũ Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương)