Đắk Lắk khuyến cáo người dân không phát triển sầu riêng ồ ạt và cẩn trọng khi mua bán

Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng. Trước tình hình giá cả liên tục biến động, thương lái và nông dân cần cẩn trọng khi mua bán loại nông sản này để tránh "tiền mất tật mang".

Đó là khuyến cáo của UBND tỉnh và Sở NN & PTNT tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, hôm 30/7, UBND tỉnh đã phát đi thông báo gửi các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành quản lý hoạt động thu mua, xuất khẩu sầu riêng vụ mùa 2024. Tỉnh khuyến cáo và tuyên truyền người dân không phát triển sầu riêng ồ ạt. Điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ cung vượt quá cầu, phá vỡ quy hoạch các cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh.

ubnd-tinh-dak-lak-khuyen-cao-nguoi-dan-khong-nen-phat-trien-sau-rieng-o-at-ma-can-tap-trung-vao-chat-luong-1722422174.jpg
UBND tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân không nên phát triển sầu riêng ồ ạt mà cần tập trung vào chất lượng.

Thực tế hiện nay, diện tích cây sầu riêng tăng nhanh chóng và thiếu kiểm soát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nông dân. Theo dự báo, trong khoảng hơn 5 năm tới, diện tích và sản lượng sầu riêng sẽ bước vào một chu kỳ kinh doanh rất lớn. Điều đó có thể dẫn đến nguy cơ cao là xảy ra tình trạng cung vượt cầu ngay tại địa phương.

Đáng chú ý, trong canh tác sầu riêng vẫn còn một số bà con nông dân không tuân thủ theo quy chuẩn đã đưa ra. Trong đó, phổ biến nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không theo khuyến cáo, quy trình thu hoạch, đóng gói, bảo quản không đảm bảo, không đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nước nhập khẩu. Những việc này sẽ hạn chế đầu ra của sầu riêng và gây mất uy tín của sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Sở NN & PTNT tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương cần phối hợp chặt chẽ Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng và với các đơn vị cấp Bộ, Tổng cục Hải quan...  để nắm chắc tình hình xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Sở lưu ý các doanh nghiệp cần phải công khai các mã số vùng trồng, mã đóng gói sầu riêng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

thu-phu-sau-rieng-krong-pac-dang-buoc-vao-mua-thu-hoach-chinh-nam-2024-1722422214.jpg
"Thủ phủ" sầu riêng Krông Pắc đang bước vào mùa thu hoạch chính năm 2024.

Theo thống kê của Sở NN & PTNT tỉnh Đắk Lắk, địa phương đã được cấp 266 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích 7.292ha. Trong đó, có 68 mã số vùng trồng với diện tích 2.521ha đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt và 198 vùng trồng với diện tích 4.771ha đang chờ phê duyệt.

Huyện Krông Pắk được xem là “thủ phủ” sầu riêng của cả nước với gần 7.200ha sầu riêng, trong đó 4.000ha cho kinh doanh. Mỗi năm, sầu riêng cho doanh thu toàn huyện đạt hơn 5.000 tỉ đồng. Niên vụ năm 2024, huyện này dự kiến đạt hơn 80.000 tấn. Anh Phạm Văn Cường là một nông dân trồng sầu riêng ở địa phương này cho biết: “Năm nay vườn tôi thu hoạch khoảng 40 tấn. Nếu thương lái muốn vào vườn cắt sầu riêng thì phải đặt cọc trước khoảng 800 triệu đồng. Như vậy tôi mới tránh được việc bị "bom" hàng như trước đây!”.

Anh Phan Thành Nghĩa, một thương lái thu mua nông sản ở TP. Buôn Ma Thuột cho biết rút kinh nghiệm từ những lần bị doanh nghiệp “trở mặt” về thu mua sầu riêng, anh đã thuê hẳn một luật sư để đi ký kết hợp đồng với chủ đại lý thu mua để tránh rủi ro về mặt pháp lý về sau. Anh chia sẻ: “Trước đây tôi bị thiệt hại nhiều do không đọc kỹ hợp đồng. Nay thực hiện biện pháp này để tránh những rủi ro không đáng có!”.

thuong-lai-den-thu-mua-sau-rieng-tai-vuon-cua-mot-nong-dan-o-huyen-krong-pac-1722422307.jpg
Thương lái đến thu mua sầu riêng tại vườn của một nông dân ở huyện Krông Pắc.

Ông Phạm Văn Hà - Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết  tỉnh đã xác định được vùng lõi tập trung trồng sầu riêng ở 7 huyện và thị xã. Ngoài các khu vực này, bà con nông dân  không nên phát triển loại nông sản này nữa. Ông Hà còn nhận định: “Thay vì phát triển ồ ạt, tăng nhanh diện tích và sản lượng sầu riêng thì bà con nông dân nên tập trung cải thiện chất lượng cây trồng”.

Theo ông Hà, sầu riêng là loại cây rất mẫn cảm với thời tiết, chi phí đầu tư lớn nên chỉ cần biến cố nhỏ cũng rất dễ thua lỗ. Quá trình canh tác nông dân phải đặc biệt chú trọng vào dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Điều này rất quan trọng cần phải thực hiện đúng để tránh gây ảnh hưởng đến uy tín nông sản của địa phương./.

Kiến Giang