Sau khi cà phê nhân vượt mốc trên 100.000 đồng/kg vào ngày 28/3, đến lúc này mức giá trên vẫn ổn định quanh mốc đó. Tính từ đầu tháng 1/2024 tới nay, giá cà phê tại Đắk Lắk đã tăng khoảng 40.000 đồng/kg - mức tăng kỷ lục. Nhiều hộ dân vui mừng vì đã “chốt” giá bán tốt, đồng thời có nguồn lợi nhuận và vốn tái đầu tư cây cà phê cho những vụ kế tiếp.
Tại huyện Krông Năng (Đắk Lắk), nhiều hộ đã chốt bán khi giá cà phê vượt ngưỡng 90.000 đồng/kg. Mức giá này đã làm tăng thu nhập đáng kể, tạo tâm lý phấn khởi cho nông dân và mong muốn hướng đến việc canh tác sản xuất cà phê bền vững. Có người còn bày tỏ: “Không biết giá còn tăng nữa không, nhưng với giá này thì chúng tôi cũng rất vui mừng vì đã có lãi sau bao nhiêu năm cà phê nằm ở mức giá thấp!”.
Theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, do thiếu hụt nguồn cung trong nước và lượng tồn kho vụ trước chuyển qua quá thấp so với mọi năm nên giá cà phê tăng cao. Bên cạnh đó cước phí vận tải hàng hải tăng cao, giới đầu cơ trên sàn giao dịch hàng hóa thế giới trữ hàng để kiếm lên cũng là yếu tố đẩy giá cà phê lên.
Hiện tại, nguồn cà phê còn trong dân không nhiều. Theo dự báo, cà phê trong niên vụ mới sẽ thiếu hụt nguồn cung đáng kể do diện tích trồng cà phê trong dân giảm nhiều. Ngoài ra, thời tiết khô hạn cũng kéo theo năng suất cà phê bị ảnh hưởng trong niên vụ sắp tới.
Ông Trần Ðình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết sản xuất cà phê chất lượng cao đang mang lại lợi ích thiết thực, trực tiếp cho nông dân. Giá cà phê chất lượng cao luôn ổn định và cao hơn so với thị trường từ 2 – 2,5 triệu đồng/tấn. “Tuy nhiên, cà phê nhân xô có mức giá tăng cao như hiện nay làm giá cà phê nguyên liệu cũng tăng theo. Điều đó khiến HTX gặp khó khăn vì thiếu nguồn vốn để thu mua, nhất là đối với những đơn hàng đã ký kết”, ông Trọng cho biết.
Ông Nguyễn Đại Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ du lịch ROFC (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) cho biết nhiều thành viên trong HTX đã bán khoảng 80% sản lượng khi giá cà vượt mốc 80.000 đồng/kg. Ông Dương phân tích: “Không ai dám “ôm” hàng khi giá cà phê liên tục tăng cao như những ngày qua bởi không biết giá cả sắp tới sẽ lên xuống thế nào. Năm nay làm cà phê nhân xô thì có lợi nhuận hơn là làm cà phê chất lượng cao vì giá cà phê cộng thêm sẽ cao, khó có nhà rang xay thu mua”.
Tại hội thảo "Giải pháp để xuất khẩu cà phê Việt đạt 5 tỷ USD" ngày 30/3 vừa qua tại TP.HCM, ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia phân tích cà phê phát biểu: Giá cà phê tăng cao sẽ làm nông dân được hưởng lợi trước mắt. Nhưng nếu nếu không có cơ chế, chính sách phù hợp thì ngành hàng cà phê sẽ gặp khó khăn với các đơn hàng và các hợp đồng xuất khẩu.
“Cơ quan quản lý nhà nước cần tạo quỹ cho vay, quỹ tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp có tiền thu mua. Đồng thời tăng cường hỗ trợ các đơn vị chế biến cà phê đặc sản, chất lượng cao để giá trị gia tăng của hạt cà phê được bền vững”.
Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết: “Cà phê là mặt hàng chiến lược cần sự quan tâm đúng tầm để tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ hơn cho vùng cà phê. Trong đó, người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu là yếu tố cốt lõi, phải đạt được lợi ích một cách hài hòa thì mới thúc đẩy chuỗi giá trị cho ngành hàng này phát triển bền vững”./.