Đa số doanh nghiệp chưa sẵn sàng với chuyển đổi số và chưa được hỗ trợ cho chuyển đổi số

Việt Nam có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có trên 90% nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, theo khảo sát thì đa số doanh nghiệp chưa sẵn sàng với chuyển đổi số và chưa biết tìm kiếm kênh hỗ trợ cho chuyển đổi số ở đâu.

Thông tin được bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tại Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững” vào ngày 05/6.

chuyen-doi-so-doanh-nghiep-03-1717594433.jpg
Các đại biểu tham dự Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững”.

Năm 2024 ngân sách bố trí 140 tỷ đồng hỗ trợ chuyển đổi số

Theo Bà Trịnh Thị Hương, hiện nay Chính phủ đã có nhiều chính sách, cũng như các chương trình để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong chuyển đổi số, không chỉ là chính sách, mà cả những hành động thiết thực. ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) là một trong những lĩnh vực chúng tôi quan tâm.

Các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực ESG, thì có thể kết nối với Cục Phát triển doanh nghiệp, chúng tôi sẵn sàng là đầu mối để cùng đồng hành với doanh nghiệp trong chuyển đổi số.

Việt Nam có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có trên 90% nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, theo khảo sát thì đa số doanh nghiệp chưa sẵn sàng với chuyển đổi số và chưa biết tìm kiếm kênh hỗ trợ cho chuyển đổi số ở đâu.

"Vì vậy, Cục Phát triển doanh nghiệp với vai trò là cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp, đã và đang cố gắng thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số", bà Hương nói.

chuyen-doi-so-doanh-nghiep-01-1717594460.jpg
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững”.

Bà Hương thông tin, hiện nay, định hướng chuyển đổi số doanh nghiệp được thông qua: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Những chính sách này đã đưa ra các nhiệm vụ cần thiết và giải pháp nhằm thúc đẩy và đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Tổng kinh phí ngân sách bố trí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 là 140 tỷ đồng để hỗ trợ chuyển đổi số, dự kiến hỗ trợ đào tạo cho hơn 8.000 doanh nghiệp bao gồm cả hình thức đào tạo trực tiếp và trực tuyến, tư vấn và hỗ trợ ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại khi đổi mới sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của đổi mới sáng tạo.

Chuyển đổi số cần vừa làm vừa chạy, không thể ngồi chờ thể chế hoàn thiện

Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Trịnh Thị Hương khẳng định, chuyển đổi kép - chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh - là xu hướng tất yếu của doanh nghiệp cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường.

Theo bà Hương, chuyển đổi kép xoay quanh 3 trụ cột chính: Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; Tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.

Bà Hương cũng nêu 3 giải pháp trọng tâm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số: Thứ nhất, đào tạo chuyên sâu nâng cao năng lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đào tạo người lao động và kỹ sư công nghệ số, đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn thông qua chương trình quốc tế.

Thứ hai, tư vấn lộ trình và tư vấn triển khai cho doanh nghiệp về xây dựng chiến lược, lộ trình chuyển đổi số, tư vấn triển khai những bài toán thực tế doanh nghiệp có nhu cầu.

Thứ ba, hỗ trợ giải pháp chuyển đổi số, kết nối hỗ trợ một phần/toàn phần về một số phần mềm công nghệ cụ thể để doanh nghiệp ứng dụng.

chuyen-doi-so-doanh-nghiep-04-1717594363.jpg
Chuyển đổi kép - chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh - là xu hướng tất yếu của doanh nghiệp cần nắm bắt. (Ảnh minh họa)

Ông Đỗ Tiến Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra với quy mô lớn, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển với tốc độ rất nhanh. Đổi mới sáng tạo là định hướng trong chiến lược phát triển của hầu hết quốc gia. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sáng tạo đổi mới quốc gia đang được ưu tiên hàng đầu. Do đó, Việt Nam cần tìm kiếm động lực mới để tạo ra một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

Việc quy định ưu đãi đầu tư cho các trung tâm đổi mới sáng tạo do doanh nghiệp thành lập là một bước tiến lớn trong chính sách. Các ưu đãi cho cá nhân là chuyên gia, người lao động trong các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bước đầu được quan tâm phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, ông Thịnh nêu rõ.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết: Hiện nay, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là tất yếu. Nếu Việt Nam không chộp cơ hội này, thì không còn cơ hội khác. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ động bắt nhịp xu thế và thành công trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tiêu biểu như FPT… Tuy nhiên, đây là cuộc cách mạng về thể chế, chính sách, nên rất nhiều vấn đề đặt ra. Vì vậy, cần vừa làm vừa chạy, không thể ngồi chờ thể chế hoàn thiện.

Để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, về mặt quản trị nhà nước và doanh nghiệp, có 4 từ rất quan trọng là: tốc độ, linh hoạt, các bên liên quan tác động sự tham gia của họ, thí điểm/học hỏi. Tóm lại, xu thế không chờ chính sách./.

Trọng Bình