* Thích ứng thành công
Năm 2021, công nghiệp Hưng Yên vẫn khởi sắc như chưa hề có đại dịch. Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng hơn 8,8% (kế hoạch năm tăng 8%); trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,6%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 11,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,5%... Một số sản phẩm chủ yếu tăng khá như: quần áo các loại tăng 8,2%, sản phẩm bằng plastic các loại tăng 8,72%, thép các loại tăng 7,6%, bao bì bằng chất dẻo tăng 9,5%...
Kết quả trên đã góp phần quan trọng vào bức tranh tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh Hưng Yên. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng hơn 6,5%, cao hơn so kế hoạch và so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5.200 triệu USD, đạt hơn 107% kế hoạch, tăng hơn 23%. Tổng thu ngân sách đạt 19 nghìn tỷ đồng, đạt 140% kế hoạch, tăng hơn 14% so với năm 2020.
Có được kết quả này, tỉnh Hưng yên đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, Hưng Yên đã kiên trì thực hiện mục tiêu kép với nhiều giải pháp giúp người dân và doanh nghiệp dần thích ứng với trạng thái bình thường mới, vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất, kinh doanh. Tỉnh ban hành kịp thời nhiều văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch trong các doanh nghiệp; giao ngành chuyên môn và các địa phương tổ chức tập huấn phòng, chống dịch COVID-19, yêu cầu chủ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, phương án và cam kết thực hiện phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn sản xuất.
Cùng đó, các cuộc họp, hội nghị trực tuyến, trực tiếp với các địa phương, doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp hoạt động; chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, giảm lãi suất ngân hàng, giãn thời gian vay nợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết để vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Sau khi Chính phủ có Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã có Kế hoạch số 157/KH-UBND với nhiều giải pháp thiết thực, sáng tạo, nhằm đưa Nghị quyết 128 của Chính phủ đi vào cuộc sống, tạo cơ chế mở để các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn thực sự trở lại nhịp độ, khẩn trương thực hiện kế hoạch, phương án thúc đẩy sản xuất, cung ứng sản phẩm trong tình hình mới.
* Vươn lên trong nghịch cảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên - Trần Quốc Văn cho biết, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ cải cách hành chính, thi hành công vụ để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; lắng nghe, tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp; quan tâm, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp; chuyển từ chính quyền hành chính sang phục vụ, kiến tạo cho doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả Đề án cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hưng Yên năm 2021.
Từ những chính sách, giải pháp và cơ chế thông thoáng của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp Hưng Yên đã nỗ lực vượt khó, tìm hướng đi phù hợp, biến nguy cơ thành cơ hội để vươn lên.
Điển hình như Công ty cổ phần Bigrfeed Hưng Yên (Yên Mỹ) là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài gặp khó khăn, lượng sản phẩm sản xuất và cung ứng của công ty giảm. Trong khó khăn, công ty liên tục cải tiến công nghệ, hợp tác liên kết tạo chuỗi sản xuất: giống - thức ăn - chăn nuôi - thực phẩm sạch; xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cung cấp con giống, công nghệ sinh học, lấy sản xuất thức ăn chăn nuôi làm trung tâm, tạo ra các sản phẩm an toàn. Sản xuất ổn định nên Công ty luôn bảo đảm việc làm cho công nhân với mức thu nhập bình quân mỗi lao động 6-7 triệu đồng/tháng.
Tương tự, Công ty cổ phần Tiên Hưng (Tiên Lữ), đã đầu tư 150 tỷ đồng lắp đặt điều hòa không khí, máy cắt, máy trải tự động, cải tạo, nâng cấp nhà xưởng phục vụ sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành sản xuất; bố trí, sắp xếp vị trí việc làm phù hợp với năng lực, sở trường của người lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi tại nhiều doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động nhưng công ty Tiên Hưng vẫn thu hút được hơn 3.000 lao động, tăng 1.000 người so với trước đây, với mức thu nhập ổn định, năng suất lao động tăng 15%.
Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Mỹ Phát (thành phố Hưng Yên), kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống: thực phẩm đông lạnh, thực phẩm khô, thực phẩm ăn liền... Ông Nguyễn Ngọc Chính, Giám đốc công ty cho biết, mỗi tháng, công ty cung ứng ra thị trường hàng hóa có giá trị 8 - 10 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, công ty có mức tăng trưởng khá 5 - 7% mỗi tháng, một số tháng tăng 10%. Có được con số này, một phần do doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm được các đại lý và người tiêu dùng quan tâm khi dịch diễn biến phức tạp. Mặt khác, công ty đặc biệt quan tâm đến công tác phân phối sản phẩm và chăm lo người lao động.
Trước thềm xuân mới Nhâm Dần, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên - Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ, bước sang năm 2022, Hưng Yên tiếp tục chung tay cùng tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách để tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên tinh thần an toàn trước dịch bệnh. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để ngày càng mở rộng, thiết lập các "vùng xanh" nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội, duy trì và phát triển các hoạt động bền vững. Về lâu dài, tỉnh tạo lập môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch và an toàn. Theo đó, các nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ được tiếp cận đầy đủ các nguồn lực về mặt bằng, cơ hội đầu tư, giảm thiểu tối đa chi phí không chính thức, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và bền vững./.