Cầu nối đưa vốn chính sách đến với người nghèo tại Hưng Yên

Trong hành trình dẫn vốn đến với người nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, luôn có sự đồng hành của các tổ chức chính trị - xã hội. Tại Hưng Yên, vốn uỷ thác của Ngân hàng Chính sách xã hội qua các tổ chức chính trị -xã hội đã được thực hiện rất hiệu quả, như cây cầu nối dẫn vốn đến với người nghèo.

Để nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến được với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo công khai, minh bạch, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thiết lập được mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn chính sách đặc thù, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.

Điểm nổi bật là sự kết hợp với 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác là: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với vai trò giám sát, phản biện xã hội và thực hiện một số nội dung công việc trong quy trình cho vay.

Không nằm ngoài chủ trương đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên đã cùng với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các ngành, các cấp tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng.

Chị Nguyễn Thị Thuận là hội viên Hội phụ nữ xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Nhiều năm qua chị đảm nhiệm thêm vai trò tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn của thôn Bắc Nam Phú, xã Thọ Vinh. Công việc gia đình khá vất vả nhưng chị Thuận vẫn dành thời gian giúp chị em phụ nữ trong thôn tiếp cận với vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình.

Chị Thuận chia sẻ, trong thôn cũng có nhiều chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn, nhờ được vay vốn phát triển sản xuất và đã vươn lên thoát nghèo. Đó là niềm vui của người tổ trưởng khi đã góp phần cải thiện cuộc sống của chị em. Vừa sinh hoạt tổ hội, vừa là hàng xóm láng giềng nên việc giúp được nhau là rất quý.

tindungcs-pn-16-36-27-317-1643630981.jpeg
Ảnh minh hoạ

Là hội viên tổ tiết kiệm vay vốn của chị Thuận, chị Nguyễn Thị Sinh ở thôn Bắc Nam Phú, xã Thọ Vinh, huyện Kim Động đã thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách xã hội. Chị Sinh cho biết, gia đình chị trước kia thuộc hộ cận nghèo, năm 2018 chị được chị Thuận giới thiệu nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Chị Sinh được giải thích là ngân hàng này cho vay chủ yếu phục vụ người nghèo nên lãi suất được ưu đãi. Chị Sinh mạnh dạn đăng ký vay 50 triệu đồng không cần thế chấp và được giải ngân ngay. Có vốn chị Sinh quyết định mua 2 con bò và đầu tư cải tạo trồng 4 sào nhãn. Đến nay, nhờ thu hoạch từ vườn nhàn và 2 con bò đã sinh sản, gia đình chị Sinh đã thoát nghèo.

Giống như chị Thuận, chị Nguyễn Thị Uyên thành viên Hội nông dân xã Hồng Quang, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên cũng đảm nhiệm vai trò tổ trưởng tổ tiết kiệm thôn Ân Thi 3.

Chị Uyên chia sẻ, có rất nhiều hội viên hội nông dân trong thôn muốn phát triển kinh tế nhưng thiếu vốn mà họ không dám đi vay vì sợ lãi suất cao. Nhờ có nguồn vốn chính sách, nhiều hộ đã tiếp cận được vốn và thoát nghèo. Đồng vốn không lớn nhưng thực sự có ý nghĩa và rất phù hợp với những hộ nghèo, cận nghèo.

Theo chị Uyên, với việc thành lập tổ tiết kiệm vay vốn, các hội viên có sự gắn kết, hiểu nhau hơn và có sự tương trợ nhau rất tốt. Chính vì thế, nhiều hộ nghèo khi cần vốn họ đã biết tìm đến Ngân hàng Chính sách xã hội và không phải đi vay tín dụng đen.

Bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hưng Yên nhận định, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai tốt các nội dung ủy thác, thực hiện giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt trong điều kiện dịch COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Hưng Yên cũng nhận định, hiệu quả mang lại từ hoạt động giao dịch xã tạo thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận tín dụng chính sách của chính phủ, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách xã hội.

Có thể thấy, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã hỗ trợ kịp thời cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để sản xuất kinh doanh, thể hiện quyết tâm cao trong việc phối hợp thực hiện các mục tiêu, giải pháp, phấn đấu cùng Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hưng Yên hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch.

Năm 2021, dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội tại Hưng Yên đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng hơn 168 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 5,9%) so với năm 2020. Con số này cũng chiếm 99% tổng dư nợ của toàn chi nhánh; trong đó nợ quá hạn là hơn 1 tỷ đồng, giảm 83 triệu đồng so với năm 2020, chiếm tỷ lệ 0,03%/tổng dư nợ ủy thác.

Bên cạnh việc phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, các tổ chức chính trị - xã hội cũng quan tâm và phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội làm tốt công tác nhận tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, mang lại hiệu quả thiết thực. Năm 2021, 100% các tổ tiết kiệm và vay vốn ở Hưng Yên thực hiện huy động tiền gửi của tổ viên, số tiền là hơn 152 tỷ đồng.

Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ở Hưng Yên cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, chất lượng tổ tiết kiệm và vay vốn và điểm giao dịch xã. Đồng thời, duy trì hoạt động ổn định, an toàn hiệu quả của 161 điểm giao dịch xã và 2.749 tổ tiết kiệm vay vốn, góp phần nâng cao hiệu quả triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên./.