Đào tạo 1 triệu nông dân về quy trình canh tác lúa giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh

Giai đoạn 2024-2030 sẽ có 1 triệu nông dân được đào tạo đào tạo quy trình canh tác sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, kỹ năng đăng ký, đánh giá giảm phát thải ở cấp độ hộ nông dân.

Thông tin được chi sẻ tại Hội nghị Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, HTX nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa ở ĐBSCL vừa diễn ra vài đầu tháng 4/2024.

trong-lua-giam-phat-thai-04-1712372749.jpg
Hội nghị triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, hợp tác xã nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Nâng cao năng lực cho HTX và nông dân về tăng trưởng xanh

Thông tin tại Hội nghị cho biết, Bộ NN&PTNT đang triển khai kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, HTX nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).

Theo kế hoạch, trên 1 triệu lượt người sẽ được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực để phục vụ triển khai Đề án. 6 đối tượng chủ lực trong kế hoạch nâng cao năng lực được xác định là giảng viên ToT (Training of Trainers là hoạt động tập huấn, trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong nhà trường); cán bộ quản lý, kỹ thuật của HTX/tổ hợp tác đăng ký tham gia Đề án; cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng; cán bộ quản lý nhà nước các cấp; bà con nông dân; cán bộ kỹ thuật, nông vụ, phụ trách nguyên liệu của doanh nghiệp.

trong-lua-giam-phat-thai-01-1712372788.jpg
Sự thành công của các HTX khi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là yếu tố quyết định thành bại của Đề án. (Ảnh: VGP)

Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết, kế hoạch nhằm nâng cao năng lực cho các HTX, hộ nông dân và các đối tượng liên quan tham gia chuỗi ngành hàng lúa gạo chất lượng cao và giảm phát thải.

Theo đó, giai đoạn 2024-2030 sẽ có 1 triệu nông dân được đào tạo đào tạo quy trình canh tác sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, kỹ năng đăng ký, đánh giá giảm phát thải ở cấp độ hộ nông dân.

Ngoài ra, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, kỹ thuật trong HTX nông nghiệp, tổ hợp tác; cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng ở các tỉnh ĐBSCL tham gia đề án…

Năm nay, cơ quan chuyên môn sẽ tổ chức 12 lớp tập huấn TOT để trang bị các kỹ năng, kiến thức về đổi mới sáng tạo; hoàn thành tập huấn cho 2.000 cán bộ quản lý, kỹ thuật của 400 hợp tác xã nông nghiệp đã tham gia Dự án VnSAT (chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam). Nội dung tập huấn chủ yếu về quy trình canh tác giảm phát thải và phương pháp MRV - công cụ đánh giá các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, ông Thịnh cho hay.

trong-lua-giam-phat-thai-03-1712372821.jpg
Sẽ có 1 triệu nông dân được đào tạo sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải. (Ảnh minh họa)

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chỉ ra, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ tăng cường năng lực cho toàn hệ thống, gồm tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo.

Ngoài đào tạo về kỹ thuật, Đề án hướng tới đào tạo các giải pháp canh tác giảm phát thải. Trong đó, lực lượng khuyến nông và khuyến nông cộng đồng được xác định có vai trò kết nối giữa doanh nghiệp và HTX, người sản xuất.

Giúp nông dân hiểu rõ nhiều lợi ích khi trồng lúa gắn với giảm phát thải

Thứ trưởng NN-PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu cơ quan liên quan nêu rõ 5 nội dung vào Kế hoạch: Quy trình canh tác bền vững; kế hoạch đo đếm chi trả carbon; củng cố và kiện toàn các HTX tham gia đề án; xây dựng chuỗi liên kết giữa HTX với doanh nghiệp; bổ trợ các vấn đề liên quan.

Ông nhấn mạnh chủ thể trung tâm của đề án là HTX nên mục tiêu hỗ trợ chính là HTX, đầu tư hạ tầng cho HTX. Ông cũng lưu ý cần bổ sung quyền lợi của các thành phần tham gia. Có những địa phương đăng ký đề án nhưng chưa có HTX thì cần xây dựng HTX ở những nơi này.

Các ngành, các cấp và ngành ngành nông nghiệp các địa phương định hướng rõ làm sao để bà con nông dân hiểu được tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ hưởng được nhiều lợi ích như: giảm chi phí sản xuất, một phần chi trả tín chỉ carbon và giá trị tăng thêm từ thương hiệu gạo giảm phát thải.

"Trong vụ Hè Thu này, các cơ quan liên quan được yêu cầu thí điểm ngay 5 mô hình tín chỉ carbon (50-100ha/mô hình) tại tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Đồng Tháp và Kiên Giang", Thứ trưởng Trần Thanh Nam giao nhiệm vụ.

trong-lua-giam-phat-thai-02-1712372854.jpg
Ngân hàng Thế giới đã cam kết mua tín chỉ carbon từ đề án 1 triệu ha lúa với giá 10 USD/tấn CO2. (Ảnh minh họa)

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng mong muốn ngành nông nghiệp các địa phương định hướng rõ để bà con nông dân hiểu được rằng tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ hưởng được nhiều lợi ích từ nhiều nguồn như: Giảm chi phí sản xuất, một phần chi trả tín chỉ carbon và giá trị tăng thêm từ thương hiệu gạo giảm phát thải.

Trong giai đoạn 2024 - 2025, Đề án sẽ tập trung củng cố, nâng chất trên 182.000 ha lúa đã tham gia Dự án VnSAT và mở rộng ra ở các địa phương chưa tham gia. Các địa phương lựa chọn ra các HTX có nhiều kinh nghiệm, từ đó nâng cao chất lượng HTX. Với những HTX ở các địa phương chưa triển khai Dự án VnSAT, lãnh đạo HTX phải năng động, sáng tạo.

Bộ NN&PTNT đã lựa chọn 5 mô hình điểm tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ để triển khai Đề án trong giai đoạn 2024 - 2025. Mỗi mô hình quy mô từ 50 - 100 ha, ứng dụng quy trình canh tác lúa giảm phát thải và phương pháp MRV.

Đến tháng 8-9 năm nay, khi đã hình thành được lúa giảm phát thải, các địa phương tiếp tục triển khai thêm vụ Thu Đông 2024 và Đông Xuân 2024-2025. Từ 3 mùa vụ sản xuất lúa thực tế tiến hành đánh giá, đo đạc, Bộ NN-PTNT sẽ phê duyệt kế hoạch hệ số giảm phát thải./.

Ngân hàng Thế giới ước tính vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 1 triệu ha ở ĐBSCL khi hình thành có thể giảm 10 triệu tấn carbon. Đặc biệt, với đề án này, Ngân hàng Thế giới cũng đã cam kết mua tín chỉ carbon ở mức 10 USD/tấn CO2. Tính ra, 1ha lúa có thể thu về 100 USD từ việc bán tín chỉ carbon. 1 triệu ha có thể thu về khoảng 100 triệu USD/năm.

Bình Nguyên