Chuỗi cung ứng dệt may, da dày trước áp lực 'sống còn' trong lộ trình chuyển đổi xanh

Đối với các doanh nghiệp dệt may, thách thức hiện nay phải chịu là những sức ép từ quốc tế, từ nhãn hàng yêu cầu càng ngày càng khắt khe hơn đối với các sản phẩm trong vấn đề về sử dụng năng lượng, vấn đề tuần hoàn, tái chế chất thải, thiết kế sản phẩm để làm sao ngày càng bền vững hơn, sử dụng ít nguyên vật liệu hơn và sẵn sàng có thể thu hồi, tái chế lại sản phẩm để giảm tác động đến môi trường.

Theo Bộ Công Thương, dệt may và da giày là 2 ngành hàng sản xuất và xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có mức tăng trưởng bình quân trên 10%/năm. Năm 2022, kim ngạch dệt may xuất khẩu đạt trên 44 tỷ USD, còn da giày đạt trên 28 tỷ USD. Năm 2024, mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới nhưng xuất khẩu của dệt may dự kiến vẫn đạt 44 tỷ USD và da giày 27 tỷ USD.

xanh-hoa-chuoi-det-may-da-day-3-1730939480.jpg
Bộ Công Thương hiện đã có những chính sách, hoạt động hỗ trợ DN trong việc phát triển chuỗi cung ứng sản xuất bền vững nói chung và xanh hóa chuỗi cung ứng dệt may, da giày nói riêng. (Ảnh minh họa)

Chuyển đổi xanh của chuỗi cung ứng toàn cầu là yêu cầu “sống còn”

Tại tọa đàm “Động lực xanh hóa chuỗi cung ứng dệt may, da giày” mới đây, nhiều ý kiến nhận định Xu thế chuyển đổi xanh của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay là yêu cầu “sống còn” đối với các DN dệt may, da giày.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương hiện đã có những chính sách, hoạt động hỗ trợ DN trong việc phát triển chuỗi cung ứng sản xuất bền vững nói chung và xanh hóa chuỗi cung ứng dệt may, da giày nói riêng.

TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho biết, các chương trình của Bộ Công Thương đều hỗ trợ các DN tiếp cận gần hơn từ chuyển đổi công nghệ, công nghệ nhập khẩu, công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của các thị trường quốc tế.

“Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu theo hướng bền vững, ổn định tại tất cả các thị trường. Bên cạnh đó, các chương trình khuyến công quốc gia và công nghiệp hỗ trợ đã hỗ trợ rất nhiều cho ngành dệt may, da giày để đáp ứng được các yêu cầu phát triển đối với nguyên, phụ liệu ngày càng đáp ứng hơn các tiêu chuẩn của thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế”, ông Hội cho hay.

xanh-hoa-chuoi-det-may-da-day-2-1730939519.jpg
TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương).

Thông tin tại Tọa đàm cho biết, trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, sức ép lớn nhất là sức ép về xu hướng. Phải đáp ứng các nhu cầu, yêu cầu về môi trường, chính là “xanh hóa” sản phẩm, cũng như giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Đối với các doanh nghiệp dệt may, thách thức hiện nay phải chịu là những sức ép từ quốc tế, từ nhãn hàng yêu cầu càng ngày càng khắt khe hơn đối với các sản phẩm trong vấn đề về sử dụng năng lượng, vấn đề tuần hoàn, tái chế chất thải, thiết kế sản phẩm để làm sao ngày càng bền vững hơn, sử dụng ít nguyên vật liệu hơn và sẵn sàng có thể thu hồi, tái chế lại sản phẩm để giảm tác động đến môi trường.

Sức ép nữa là từ các cam kết của quốc gia trong vấn đề về giảm phát thải khí nhà kính. Đối với Việt Nam, cam kết đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0, như vậy doanh nghiệp dệt may cũng phải có lộ trình để hướng tới, đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính nói chung đó.

Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 hàng năm, do vậy phải có lộ trình cắt giảm. Trong Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa công bố, các doanh nghiệp phải kiểm kê khí nhà kính, trong đó có khoảng gần 100 doanh nghiệp dệt may, da giày phải kiêm kê khí nhà kính để hướng tới phát thải ròng bằng 0.

xanh-hoa-chuoi-det-may-da-day-1-1730939552.jpg
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso)

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), chia sẻ ngành công nghiệp da giày là một ngành hội nhập rất lớn. Vì thế, việc đáp ứng các yêu cầu đối với các tiêu chuẩn bền vững, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn cũng đã thực hiện. Tuy nhiên, nếu trước đây yêu cầu về phát triển bền vững chủ yếu là do các nhãn hàng đặt ra, nhưng đến nay thì đã được luật hóa và với ngành công nghiệp da giày, các thị trường chính như Mỹ, EU… là những thị trường đòi hỏi rất cao.

Thị trường EU cũng bắt đầu đưa ra những yêu cầu về chuyển đổi xanh, đặc biệt là một loạt đạo luật đã được ban hành. Cụ thể như Đạo luật tra soát chuỗi cung ứng hay Đạo luật về chống phá rừng đã được thực hiện và sắp tới, hàng loạt các đạo luật mới như đạo luật về trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất, dán nhãn sinh thái, thiết kế sinh thái… Đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành da giày khi mà hai thị trường này chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu.

Chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng

Trước sức ép xanh hóa, các ý kiến đều nhận định đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng. Cụ thể, về cơ hội đó là sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, chất thải dệt may thông thường hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm phụ để nâng cao giá trị giá tăng cho sản phẩm, hoặc sản phẩm không thể tận dụng được thì có thể làm nhiên liệu đốt cho lò hơi để phát điện…

Về thách thức, là nguồn vốn đầu tư cho các hạng mục phát triển xanh rất nhiều; năng lực công nghệ của lao động còn hạn chế; những hướng dẫn, tiêu chuẩn chuyển đổi xanh chưa có khiến doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện…

Do đó, để vượt qua những thách thức cũng như nắm bắt được những cơ hội từ quá trình chuyển đổi sang xanh, ông Thịnh cho rằng hiện nay đã có Luật Bảo vệ môi trường, các nghị định, thông tư, nhưng chúng ta cũng phải xây dựng được những tiêu chuẩn cụ thể. Chẳng hạn như cần có tiêu chuẩn xanh cho ngành dệt may, da giày, những tài liệu hướng dẫn để doanh nghiệp có thể thực hiện được lộ trình của mình.

Bên cạnh đó, có những khuyến khích về các cơ chế tài chính, chẳng hạn như sau khi doanh nghiệp thực hiện xanh thì có những ưu đãi như thế nào, ưu đãi trong quá trình vay vốn, tiếp cận nguồn vốn, ưu đãi về thuế, hoặc ưu đãi được tiếp cận về mặt khoa học và công nghệ, các công nghệ điển hình trong ngành. Đồng thời, cần có những hỗ trợ, đặc biệt từ các hiệp hội để xây dựng được đội ngũ nhân lực cho quá trình chuyển đổi xanh này. Bởi hiện nay, đội ngũ nhân lực trong doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng cho chuyển đổi xanh.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở dưới các nhà máy chưa được tiếp cận, chưa quen với các công nghệ hoặc lộ trình, cách thức để thực hiện quá trình xanh này. Điều này đòi hỏi phải tập huấn, đào tạo liên tục để chuẩn bị cho quá trình xanh hóa.

xanh-hoa-chuoi-det-may-da-day-4-1730939465.jpg
Trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu các doanh nghiệp phải đáp ứng các nhu cầu, yêu cầu về môi trường, chính là “xanh hóa” sản phẩm. (Ảnh minh họa)

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Nhà nước cần ban hành được những chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi, đồng thời xây dựng được một hệ tiêu chuẩn, quy chuẩn đồng nhất. Bởi trong quá trình chuyển đổi xanh hóa, rất nhiều yêu cầu được đặt ra và những yêu cầu này sẽ gây ra chi phí tuân thủ rất lớn cho các doanh nghiệp. Vì thế, khi có một giải pháp tổng thể, chúng ta sẽ nhìn nhận được một cách toàn diện và xây dựng được một hệ điều kiện cũng như tiêu chuẩn một cách rõ ràng, giúp cho các doanh nghiệp có cơ sở để nắm bắt và thực thi một các chuẩn xác nhất.

Mặt khác, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể về quỹ đất, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, quỹ tài chính về môi trường... để doanh nghiệp theo hướng xanh có thể tiếp cận quỹ, giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính thuận lợi, giá hợp lý hơn, đẩy nhanh quá trình đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo TS. Nguyễn Văn Hội cho biết, trong Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày cũng đã định hướng và nêu rõ quan điểm quản lý Nhà nước phải đồng hành cùng doanh nghiệp, theo đó, để thực hiện được chiến lược này, cần xây dựng, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến (i) cơ chế, chính sách liên quan đến khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận đối với công nghệ nhập khẩu các công nghệ về sản xuất; (ii) khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trong chuỗi sản xuất mà ở Việt Nam còn đang gặp khó khăn, như thu hút đầu tư công nghệ, các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản xuất các nguồn nguyên liệu mà Việt Nam còn đang phải nhập khẩu để bù đắp lại và xây dựng cho chuỗi sản xuất; và (iii) cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động, dù trong bối cảnh nào, kể cả xanh hóa thì chính sách, cam kết lao động phải có và thực hiện theo đúng cam kết quốc tế và hỗ trợ đối với lao động.

Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế chính sách về năng lượng, các doanh nghiệp phải tiếp cận đối được với những nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch theo đúng yêu cầu và các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Về đối ngoại, các cơ quan quản lý nhà nước, ngành Công Thương và các cơ quan quản lý có liên quan quan phải thực sự đàm phán, trao đổi với phía đối tác những yêu cầu để từ đó xây dựng những bộ tiêu chí hoặc tiêu chuẩn, các quy định có liên quan để hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận gần hơn đối với thị trường quốc tế./.

Trọng Bình