Trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu ngành năm nay sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, mặc dù đang có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng ngành phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nếu như trước đây, các hoạt động về phát triển bền vững chủ yếu do các nước nhập khẩu đưa ra và mang tính khuyến khích, thì nay đã được luật hóa thông qua chính sách được ban hành.
“Câu chuyện của ngành dệt may cũng như ngành da giày sẽ tập trung vào nút thắt, đó là nguyên phụ liệu. Chúng ta muốn chủ động trong nguồn cung, tránh phụ thuộc vào bên ngoài thì chúng ta sẽ phải chủ động sản xuất. Vừa rồi, ngành dệt may và da giày đã có văn bản gửi cho Bộ Công Thương kiến nghị về việc làm sao có thể thành lập và phát triển được một Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu tại Việt Nam.
Điều này sẽ giải quyết vấn đề yêu cầu về truy xuất nguồn gốc đối với nguyên phụ liệu đang ngày càng chặt chẽ, thể hiện rõ qua các đạo luật mà phía EU cũng như phía Mỹ sẽ áp dụng. Tất cả những câu chuyện này sẽ liên quan đến truy xuất chuỗi cung ứng... Nếu như chúng ta kiểm soát được các câu chuyện này thì chúng ta mới có thể xuất khẩu được thành công...”, bà Phan Thị Thanh Xuân nói.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, xuất khẩu dệt may có nhiều khởi sắc, nửa đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt khoảng 20 tỷ USD. Hầu hết doanh nghiệp đã ký đơn hàng xuất khẩu đến cuối năm, có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý I/2025. Đáng chú ý, sản phẩm dệt may Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 110 nước, trong đó thị trường xuất khẩu chính của dệt may vẫn là Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Tuy nhiên, đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh từ nay cuối năm, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp dệt may vẫn đối mặt với khó khăn khi nhiều thị trường lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc, liên quan tới lao động và môi trường trong chuỗi cung ứng, xử lý chất thải dệt may.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, hiện nhiều nước đưa ra biện pháp phòng vệ thương mại, do vậy doanh nghiệp cần sự chia sẻ thông tin và cảnh báo để từ đó giúp doanh nghiệp có giải pháp ứng phó.
“Hiện nay, những nước đang cạnh tranh với chúng ta hoặc chúng ta xuất khẩu đến thì họ đưa ra rất nhiều những biện pháp phòng vệ. Ví dụ vừa rồi như Indonesia, người ta đưa ra những biện pháp sẽ áp đặt thuế cao, hàng loạt các nước khác. Chúng tôi xuất khẩu đến thị trường lớn, chẳng hạn như Mỹ, một số nước khác, người ta đưa ra những quy định rất khắt khe về hàng hóa, bảo vệ môi trường... Tôi cho rằng, những cảnh báo cho doanh nghiệp rất cần thiết...”, ông Trương Văn Cẩm cho biết thêm.
Năm 2024, Bộ Công Thương dự báo tăng trưởng xuất khẩu có thể vượt mục tiêu 6% đặt ra. Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, xác định giày dép là ngành xuất khẩu chủ lực của quốc gia với sản phẩm chất lượng và có tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, duy trì vị trí thứ 2 trên thế giới.
Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu giày dép hàng đầu thế giới. Theo số liệu thống kê của LEFASO, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản xuất giày dép (sau Trung Quốc và Ấn Độ) với 1,3 tỷ đôi/năm, chiếm 5,4% thị phần và đứng thứ 2 về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc) với 1,276 tỷ đôi/năm, chiếm 7,3% thị phần.
Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững không chỉ là xu hướng chung mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành da giày; đồng thời cũng là cơ hội để ngành da giày Việt Nam nâng cao giá trị thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT TBS Group, Chủ tịch CIFA 41-2024 đã khẳng định: “Doanh nghiệp da giày không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Để làm được như vậy, theo ông Thuấn, vấn đề nghiên cứu phát triển trong thiết kế, nguyên vật phụ liệu, đầu tư ứng dụng công nghệ và phương thức phân phối, kênh phân phối cũng cần có sự thay đổi – hướng đến yếu tố chất lượng, thẩm mĩ, giảm chi phí, giảm phát thải CO2 hướng đến yếu tố phục vụ cho người tiêu dùng đầu cuối./.