Câu hỏi nhỏ sang trang lịch sử

“Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” Tôi tin rằng, những người Việt Nam trưởng thành ít ai không biết câu nói này. Vâng, đó là câu nói bất ngờ mà Bác Hồ đã cất lên trên Quảng trường Ba Đình sáng ngày 2.9.1945, trước khi Bác chính thức đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập.
chu-tich-ho-chi-minh-1662036309.jpg
Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Độc Lập khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Có lẽ Bác hỏi thế chỉ để tin chắc mọi người đều nghe rõ lời nói của mình, và đó là một cách tôn trọng người nghe đúng nghĩa mà sau này ta thường xuyên gặp, na ná như cách thử… micrô và loa phóng thanh…

Ấy thế, nhưng với nhiều người trong đó có tôi, câu nói này mang một ý nghĩa lớn lao vô cùng…, vì đó không chỉ là ngôn từ, mà là cả một tâm thế, một thái độ sống, một thái độ ứng xử mang thần thái của cả một thời đại mới, với mối quan hệ mới giữa người với người. Đơn giản chẳng hạn: Tôi tin rằng trong hàng mấy ngàn năm tồn tại của các chế độ tiền phong kiến và phong kiến, ngay với những vị vua anh minh, nhân từ nhất, cũng không bao giờ có chuyện một ông vua khi cất lời “ban chỉ dụ” mà lại hỏi quần thần hay bất cứ ai rằng “có nghe rõ không”…, vì vua chỉ có nói, nói nhỏ nói to, nói nhanh nói chậm, nói kiểu gì… thì quần thần và dân đen cũng phải nghe, nghe không rõ cũng phải cố mà nghe, cố mà thực hiện đúng “ý chỉ” của nhà vua… Đó là bản chất của chế độ cũ, một cách hành xử như đã nhất thành bất biến trong bộ não và thói quen của bất cứ ông vua nào trên đời suốt mấy ngàn năm...

Vì vậy, khi vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bỗng cất lời đầu tiên bằng một câu hỏi như vậy…, thì tôi tin là cả Quảng trường mấy chục vạn con người chắc chắn đã ngạc nhiên vô cùng… Dù tôi không có mặt ở đó vào lúc ấy, nhưng tôi tin như thế và không ai có thể làm cho tôi hết tin vào điều này. Và, đó là Cách mạng!

Cất tiếng chào đời trong ánh bình minh của thời đại mới, mang trong  mình lời tuyên ngôn của Độc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc như bản thông điệp gửi tới mai sau, những đứa con của thế hệ đã bắt đầu một cuộc sống khác, với một chất lượng khác, một cường độ khác. Những bàn chân ngàn đời quen quanh quẩn sau luỹ tre xanh, bị giam hãm giữa vòng vây cơm áo, bỗng như có tiếng gọi thiết tha từ phương trời nào vọng tới, vội cất bước lên đường dấn thân vào cuộc trường chinh suốt 30 năm không ngừng nghỉ, thăm thẳm Chiềng Lề, Khâu Vác, Pha Đin..., đâu quê hương là bàn chân bước đến ( Chính Hữu). Tôi không biết trong lịch sử dân tộc có bao giờ con người Việt Nam lại đi nhiều đến thế, xê dịch nhiều đến thế, những chuyến lên đường nối tiếp, những cuộc hành quân bất tận, lên ngược về xuôi, vào Nam ra Bắc, từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mâu, từ Trường Sơn ra tới Trường Sa, dấu chân của cả một thế hệ in dầy trên mặt đất nếu đem cộng lại khéo đã vươn tới những vì sao.

Họ đã đi từ Phai Khắt, Nà Ngần

Qua Lô, Thao xác thù vùi dưới sóng

Đồn giặc cháy đỏ trời Cao - Bắc - Lạng

Những chiến khu Việt Bắc, Bưng Biền

Những ngọn cờ băng qua ngàn lửa khói

Kịp sáng bừng trên thung lũng Điện Biên.

(Trường ca “Điệp khúc vô danh” – A.N.)

Nhưng mới mẻ, sức lực và trẻ trung không chỉ ở tuổi tác và thời gian, cái mới và sức trẻ bền lâu nhất thuộc về cách nghĩ và cách cảm, thuộc về sức rung động của trái tim. Trời đất vẫn như xưa, cõi trần không thay đổi, sao trong mắt ta tất cả dường như đã khác. Vui khác xưa, buồn khác xưa và yêu ghét cũng khác xưa. Cuộc sống như vầng trăng vành vạnh giữa trời, khi xưa ta nhìn lên thấy cây đa chú Cuội thật gần, thấy tròn đầy sáng láng mà yêu, nay ta còn thấy thêm cả phía chìm khuất tăm tối đằng sau, và nhờ thế, lạ lùng thay, ta càng thấy yêu thương gấp bội, có phải từ nay trong ta có thêm vị mặn mòi của lòng thương cảm, thứ lạt mềm buộc chặt, sâu sắc trong hồn ta. Tình yêu đấy - thứ tiên dược có sức làm trẻ lại mọi trái tim, bằng cách không cho phép chúng được một phút một giây hững hờ vô cảm.

“Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm, cầu bất cầu bơ”

( Tố Hữu)

Cuộc hoá thân vào muôn ức vạn cuộc đời ấy là tín hiệu bắt đầu của một bầu sinh quyển mới trong quan hệ giữa con người với con người chưa từng có trong tiền lệ. Vẫn là Chế Lan Viên, người có tư cách và năng lực để khái quát những bước đường đi tới của cái tôi trong hành trình chung của cách mạng, từ buồn riêng đến với vui chung, từ vui chung lại đến với vui riêng...

Chàng nông dân áo vải chân đất ngày nào, đi qua cuộc trường chinh thoắt đã thành vị tướng tài ba trên thông thiên văn dưới tường địa lý, hoặc cũng có thể thành nhà thi sĩ tài danh không có sách chúng tôi làm ra sách, chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình (Hữu Thỉnh). Còn cậu học trò dáng dấp thư sinh mảnh khảnh trói gà không chặt bỗng một ngày đứng vụt lên thành chân sắt vai đồng vai ngàn cân chân vạn dặm, có lúc nào đó chợt xoè bàn tay ngắm vết chai dày lại ngỡ mình vừa sinh ra lần nữa.

Còn câu chuyên này là của riêng tôi: Lần ấy, giữa chặng hành quân trên chót đỉnh Trường Sơn, chúng tôi qua một bản làng heo hút của bộ tộc người Rục, người Chứt, hay là người Giẻ Chiêng, chỉ nhớ trong câu chuyện thuở thiếu thời bà tôi vẫn gọi họ là “Người Rừng”, người “Lá Vàng” với cuộc sống hoang dã huyền..., ấy thế mà, bất chợt một cô gái “người rừng” trong số họ  bỗng ngước mắt nhìn tôi trong một giây, và tôi bỗng bàng hoàng, một thứ linh cảm kỳ lạ nói với tôi rằng nếu cuộc hành quân ngay lúc này dừng lại nơi đây, nếu tôi và cái cô gái áo quần vá chằng vá đụp nhưng có đôi mắt và cái nhìn như trời đêm không thấy đáy kia được ở bên nhau dù một phút, thì rất có thể tất cả phần còn lại của cuộc đời tôi đã hoàn toàn thay đổi. Không còn khoảng cách về không gian và thời gian, cả những khoảng cách mênh mông và nghiệt ngã của ngàn vạn thứ tập tục và thói đời phàm tục đều không còn nữa, bởi một ánh mắt như thế đủ sức chôn cả một cuộc đời vào trong đó.

Và đó cũng là linh hồn của Cách mạng. Bởi vậy, tôi vẫn tin rằng cuộc Cách mạng lớn lao nhất trên cõi đời này là cuộc cách mạng diễn ra trong lòng người. Ấy là sự đạp đổ những định kiến và thành kiến ngàn đời đã hoá rong rêu, sự xoá hết những biên giới vô hình, những cách ngăn vô nghĩa, để vươn tới những không gian chưa biết, để chiếm lĩnh những thời gian chưa qua, để cuối cùng con người trở lại đúng với bản thể của chính mình, đầu ngẩng cao không thẹn với trời xanh.

Và thế, sau những từng trải của suốt 70 năm đi theo Cách mạng, hôm nay chúng ta đã thấm hết ý nghĩa lớn lao và kỳ lạ trong cái câu hỏi ngỡ ngẫu hứng và thường tình của Bác Hồ sáng ấy ở Quảng trường Ba Đình, bởi vì đó không phải chỉ là tiếng nói của một con người, đó là tiếng nói của lịch sử, hay nói đúng hơn:

“Câu hỏi đơn sơ thành một tiếng trả lời

Thời đại nói qua lời Người giản dị

Cái âm hưởng của Ngày Mai đang tới

Sáng Thu này

Đồng bào nghe rõ không?

Anh Ngọc